Nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích:

Tăng cường giám sát sử dụng là điều cốt yếu

Nhà ở xã hội (NƠXH) là một chính sách tốt đẹp của Chính phủ dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên trong nhiều năm qua đã có nhiều những chiêu trò để bóp méo chính sách nhân văn này. Ở trong rất nhiều những khu NƠXH, có những căn hộ bỏ trống, cho thuê hoặc mua đi bán lại…
Tăng cường giám sát sử dụng NƠXH là cốt yếu
Tăng cường giám sát sử dụng NƠXH là cốt yếu

Tình trạng mua NƠXH để đầu cơ

Ở khu NƠXH Ecohome 1 đã nhiều năm nay, nhưng chị N.H, (tòa E2) cho biết, căn hộ số 16 chưa từng có người đến ở. “Ngày trước, khi mà mới nhận nhà cũng thấy có một cặp vợ chồng trung tuổi đến sửa sang, làm bếp núc rồi đóng cửa để đấy. Hàng năm chỉ thấy họ mở cửa căn hộ vào ngày mùng 1, Rằm, Tết… để thắp hương rồi lại để không” – chị H. nói. Cũng cùng tầng với chị H., chị N.T.D cho biết, trước đó khi vợ chồng chị mới nhận nhà, chủ căn hộ đó có sang nhà chị vài ba lần để tham khảo các thiết kế. Họ nói mua để cho cậu con trai sắp cưới vợ. Nhưng sau đó lại đến nhờ chị bán căn hộ đó với giá 1.2 tỷ do con trai không muốn sống ở chung cư. Theo chị D. có lẽ do ra giá cao quá nên cũng không ai hỏi han căn hộ đó. Và 4, 5 năm trôi qua, căn hộ đó cũng vẫn bỏ không.

Khi mà các quỹ đất ở các quận vùng ven đã dần bị lấp đầy, các dự án NƠXH không còn có lợi thế về vị trí, thì bất cứ dự án NƠXH nào ở quận Long Biên cũng là những sản phẩm được săn đón. Chẳng thế mà cho đến giờ, các căn nhà xã hội thuộc dự án Hope Residence (Phúc Đồng, Long Biên) vẫn được nhiều người tìm mua và chấp nhận những giá kênh không thấp. Mới ngỏ ý muốn tìm mua một căn hộ thuộc NƠXH của khu đô thị này, ngay lập tức phóng viên được giới thiệu cho một phụ nữ với lời khẳng định: “Lúc nào chị ấy cũng có hàng”. Cũng rất nhanh vào việc, khi vừa nhận điện thoại và biết mục đích của phóng viên, người phụ nữ kia đã nhanh nhảu: “Chị có 1 căn hơn 70m2, view nhìn sang khu “nhà giàu”, rất đẹp. Chị để em nguyên giá gốc cộng với 200 triệu tiền kênh của chị”. Khi nghe phóng viên kêu đắt, người phụ nữ này ráo hoảnh: “Hơn tỷ bạc chị bỏ vào đấy hơn 1 năm trời cộng với công chị đi làm hồ sơ mua nhà, nếu tính phí và lãi ngân hàng thì 200 triệu là quá thấp”.

Người phụ nữ này cho biết, cứ đồng ý là mua đứt bán đoạn, còn việc sau này sang tên đổi chủ thế nào thì chị ta không quan tâm. “Chị đã để nhà cho em và đồng ý sau khi đủ thời hạn sang tên ký tá cho em là tốt lắm rồi, không thể đảm bảo việc em làm thế nào và có thể sang tên được hay không” – chị ta nói.

Việc NƠXH đến với những đối tượng không đúng quy định bấy lâu nay xảy ra như chuyện “thường ngày ở huyện”. “Một phần do khi làm hồ sơ, không dễ dàng để người dân có thể có hoàn thiện đủ giấy tờ như quy định. Có nhiều cặp vợ chồng mặc dù đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội lâu năm, nhưng hộ khẩu vẫn ở các vùng ngoại tỉnh, chung hộ khẩu với gia đình, nên không phải chính quyền nào cũng sẵn sàng ký, đóng dấu việc xác minh về việc họ chưa sở hữu nhà, đất ở riêng. Hoặc việc chứng minh thu nhập của cả hai vợ chồng nhiều khi cũng làm khó nhiều gia đình” – chị N.T.H (Ecohome 1) cho biết. Cũng về chuyện có hiện tượng nhiều nhà ở khu nhà ở của chị sử dụng không đúng mục đích, ngoài mua đi bán lại còn là chuyện cho thuê, chị H. thẳng thắn: “Việc ấy nếu nói vi phạm thì cũng khó để mà xác định. Bởi vì trước đó có thể những hộ đó thực sự khó khăn về nhà ở, họ đủ các điều kiện để được mua NƠXH. Nhưng sau mấy năm an cư, họ có điều kiện phát triển kinh tế nên mua nhà khác tốt hơn. Hoặc cũng có nhiều trường hợp mặc dù có nhà ở, nhưng vì quá xa nơi làm việc hoặc do thay đổi trong cuộc sống nên buộc phải di chuyển…”.

Cần tăng cường giám sát sử dụng NƠXH

Để giải quyết những tồn tại trong việc quản lý NƠXH, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5488/QĐ-UBND về việc ban hành Chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng NƠXH trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội có 23 dự án NƠXH phục vụ các đối tượng theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, với tổng diện tích khoảng 1,2 triệu m2 sàn, tương đương 12.659 căn hộ. Ngoài ra, trên địa bàn TP hiện nay còn 43 dự án NƠXH phục vụ các đối tượng theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở đang được triển khai, với khoảng 3,5 triệu m2 sàn, tương đương 49.721 căn hộ.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo, đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích tại dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và NƠXH tại 30 Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng Hậu, quận cầu Giấy; Cho ở nhờ, cho thuê lại, hoặc không sử dụng các căn hộ tại các dự án NƠXH tại ngõ 622 phố Minh Khai (57 trường hợp); Khu NƠXH tại khu đô thị Quốc Oai (65 trường hợp); Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 (158 trường hợp); Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 (200 trường hợp).

Trong đó, Hà Nội đã đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những tồn tại nêu trên. Và để giải quyết một cách căn cơ, để tránh việc chính sách này đến sai đối tượng, biện pháp tăng cường giám sát sử dụng NƠXH vẫn là cốt yếu. Bên cạnh những tồn tại liên quan đến công tác quản lý, sử dụng NƠXH, theo các chuyên gia, mấu chốt lớn nhất mà bài toán NƠXH cần tìm lời giải là việc phát triển nguồn cung mới và thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

Trong 5 nhóm giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng NƠXH giai đoạn 2021-2025, giải pháp thứ 3 nêu rõ: UBND các xã, phường, thị trấn nơi có NƠXH và các chủ đầu tư NƠXH thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy định về giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua NƠXH. CA TP chỉ đạo CA quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nơi có NƠXH thông qua quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để theo dõi những hộ, nhân khẩu đang cư trú thực tế; nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ gia đình và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.