Ai rồi cũng trưởng thành

Ai rồi cũng sẽ trưởng thành theo cách riêng của họ. Cuộc đời mỗi người rồi sẽ có những lúc yếu đuối, vấp ngã. Nhưng nếu như ma lực của những cám dỗ quá lớn thì xin mọi người hãy nhìn về phía những người thân yêu - là gia đình của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Huy từng là một đứa con ngỗ nghịch làm bố mẹ không khỏi phiền lòng. Đang học lớp 8 thì Huy bỏ học ở nhà, suốt ngày chỉ ăn chơi, đua dòi với nhóm bạn xấu. Một lần Huy bị bạn lừa cho chơi chất cấm. Lần một sẽ có lần 2 rồi tiếp tục những lần sau đó, Huy không thể dứt ra được cơn mê của những cuộc chơi. Có lần, chơi quá liều, Huy bị ảo tưởng, nói toàn những điều vẩn vơ, rồi ngồi cười một mình. Bố mẹ, anh chị khuyên nhủ đủ điều nhưng Huy không nghe. Đồ đạc trong nhà cũng dần đội nón ra đi. Lợi dụng không có bố mẹ ở nhà, Huy khuân hết những đồ đạc có thể bán đi lấy tiền ăn chơi. Dù có lúc thương bố mẹ đã nhiều lần khổ vì mình nhưng Huy vẫn không thể cưỡng lại được ma lực.

Một lần, vì mâu thuẫn với nhóm thanh niên làng bên, Huy bị đuổi đánh, dẫn đến trọng thương ở bàn tay, chỉ cần không được cấp cứu kịp thời, Huy sẽ mất đi bàn tay vĩnh viễn. Bố mẹ lại chạy vạy lo tiền để điều trị cho Huy. Mẹ thức suốt đêm chăm sóc anh. Nhìn đôi mắt sưng húp, lúc nào cũng trực trào nước mắt của mẹ, gương mặt gầy sọp, dáng hình tiều tụy của bố, Huy ân hận lắm. Có tiền, Huy thường xuyên bao trọn những cuộc ăn chơi cùng bạn bè nhưng khi hết tiền, bạn bè cũng chẳng thèm ngó ngàng gì đến anh. Lúc này, Huy mới nhận ra gia đình mới là những người luôn bên cạnh, lo lắng cho anh khi vấp ngã. Dù từng gây ra bao tội lỗi thì gia đình vẫn luôn bao dung, tha thứ cho anh và mong anh thay đổi.

Ra viện, Huy xin đi làm. Có năng khiếu nấu ăn nên Huy nhanh chóng được một nhà hàng lớn tin tưởng trao cơ hội. Từ phụ bếp, anh được cất nhắc lên bếp phó rồi bếp trưởng. Huy cũng xin đi học bổ túc văn hóa để lấy bằng cấp 3 và học về chuyên ngành nấu ăn một cách bài bản. Tự mình làm ra những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi, nước mắt, Huy càng trân trọng những giá trị lao động của bản thân và dùng chúng một cách ý nghĩa. Huy có thể giúp bố mẹ sửa lại nhà cửa, mua những thứ bổ dưỡng cho bố mẹ, đưa gia đình đi du lịch, giúp đỡ anh chị một phần kinh tế để làm ăn,…Huy biết điều khiến bố mẹ hài lòng về mình không phải là số tiền anh kiếm được hay những giá trị vật chất mà anh mang về mà chính là sự trưởng thành của anh. Huy không còn là chàng trai lông bông, nông nổi như trước kia mà đã thực sự trở thành người đàn ông mạnh mẽ, biết đứng dậy sau vấp ngã.

Nhìn lại quãng đường mình trải qua, Huy thấm thía, mỗi người chỉ có một cuộc đời nên hãy trân trọng nó, những cuộc chơi nên có điểm dừng vì nếu đi xa quá, đến lúc, muốn quay lại cũng không thể. Huy biết ơn gia đình đã là hậu phương vững chắc tiếp cho anh sức mạnh để làm lại cuộc đời.

Ai rồi cũng sẽ trưởng thành theo cách riêng của họ. Cuộc đời mỗi người rồi sẽ có những lúc yếu đuối, vấp ngã. Nhưng nếu như ma lực của những cám dỗ quá lớn thì xin mọi người hãy nhìn về phía những người thân yêu - là gia đình của mình. Đừng để mái tóc của mẹ thêm bạc, nếp nhăn của bố thêm nhiều mà mình vẫn không chịu lớn. Không có ai là hoàn hảo cả nhưng chúng ta có thể tạo nên phiên bản tốt nhất của mình, để khi nhìn lại, có thể cười mãn nguyện rằng mình đã từng vấp ngã nhưng không gục ngã.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.