Chính sách tiền tệ năm 2022 sẽ diễn biến thế nào?!

Năm 2022, NHNN định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tuy nhiên tùy điều kiện thực tế có thể sẽ tăng thấp hơn hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất thông qua các công cụ như room tín dụng và các công cụ gián tiếp khác.
Nợ xấu sẽ là một trong những thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo
Nợ xấu sẽ là một trong những thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng lĩnh vực rủi ro

Tính đến ngày 27-12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 12,97% so với cuối năm 2020. Đặc biệt, dòng tín dụng tiếp tục được NHNN nắn vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước dự báo, tới đây, rất có thể xảy ra hiện tượng dòng tiền quay vòng, chảy sang chứng khoán, bất động sản. NHNN đã nhận diện việc phải có chính sách giám sát chặt chẽ hơn dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư. Khả năng kiểm soát dòng tiền này là không dễ trong điều kiện thực tế hiện nay, song NHNN sẽ tăng cường giám sát hơn nữa để các thị trường phát triển lành mạnh.

Riêng với tín dụng các lĩnh vực rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN, Phó thống đốc khẳng định năm tới sẽ không đẩy mạnh mà còn tăng cường kiểm soát. Cụ thể với bất động sản, cơ quan này cho biết sẽ siết chặt bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Tuy nhiên, riêng với bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, NHNN vẫn khuyến khích.

Về trái phiếu DN, NHNN thậm chí có thể sẽ tiến hành thanh kiểm tra. Đối với chứng khoán, nếu để phục vụ thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, nếu thị trường phát triển lành mạnh, nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện. Nhưng ngược lại, nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng thì NHNN sẽ kiểm soát chặt lại.

Theo định hướng, năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN và mọi tầng lớp Nhân dân.

Đặc biệt, về điều hành lãi suất, ông Đào Minh Tú cho biết, trong năm vừa qua NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay.

Những thách thức với hệ thống tiền tệ

Nợ xấu sẽ là một trong những thách thức đối với hệ thống trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho Cty Quản lý tài sản (VAMC) đã tăng lên 3,79%. Nếu xét đến các tác động của dịch, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi) có nguy cơ thành nợ xấu, tỉ lệ này lên tới 8,2% ( dự báo hồi cuối năm 2020 là 5,08%). Ông Đào Minh Tú thẳng thắn cho rằng, thậm chí tỉ lệ nợ xấu này còn có thể cao hơn dịch tiếp tục gây khó khăn cho DN, nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo đánh giá của chuyên gia, hạn chế lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2021 là việc điều hành tín dụng vẫn theo cơ chế xin - cho (cấp room tín dụng). Mặc dù NHNN giải thích việc cấp room tín dụng là để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, nhưng các chuyên gia phân tích rằng, NHNN nên sử dụng các công cụ thị trường hơn, không nên sử dụng “giấy phép con” này. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc cấp room tín dụng không còn cần thiết.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro liên quan đến việc liên kết phát hành trái phiếu DN để đảo nợ, cho vay sân sau, sở hữu lũng đoạn, … Những rủi ro này chưa ai tính toán được mức độ nguy hiểm tới hệ thống, song nếu không kịp thời ngăn chặn, đến thời điểm nào đó sẽ ngoài tầm với của cơ quản lý.

Hiện nhiều nước trên thế giới đang bị 2 lạm phát chồng lên nhau là lạm phát chi phí đẩy (nguyên liệu tăng giá, cung thấp do đứt gãy chuỗi cung ứng) và lạm phát cầu kéo (do bơm tiền). Năm 2022, lạm phát chi phí đẩy trên thế giới sẽ có xu hướng giảm, song lạm phát cầu kéo sẽ tăng. Tại Việt Nam, nhiều người đang lo lạm phát năm 2022 sẽ tăng mạnh, một phần do ảnh hưởng của nhập khẩu lạm phát, một phần do ảnh hưởng các gói kích thích sắp được thực hiện. Việc các gói kích thích sắp triển khai trong nước không đáng ngại bằng “cuộc đua” phá giá đồng tiền có thể xảy ra thời gian tới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Lúc đó, lạm phát cầu kéo (do các nước phá giá tiền tệ) sẽ rất tệ hại.

Mặc dù vậy, với kinh nghiệm điều hành của NHNN, chuyên gia tin rằng, lạm phát năm 2022 sẽ không đáng ngại, chỉ khoảng 3% vì quy mô gói kích thích không lớn, thực hiện trong nhiều năm. Gói hỗ trợ lãi suất dự kiến 30.000 - 40.000 tỷ đồng cũng không đủ sức gây ra lạm phát cầu kéo vì quan điểm của NHNN là không tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu DN.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.