Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong:

Làm rõ hành vi, vai trò, trách nhiệm của người cha

Theo chuyên gia pháp lý, ngoài xử lý nghiêm minh hành vi của đối tượng trực tiếp bạo hành bé gái 8 tuổi, CSĐT cũng cần làm rõ hành vi, vai trò, trách nhiệm của người cha trong vụ án này.
Đối tượng Trang tại CQCA
Đối tượng Trang tại CQCA

Lời khai của “dì ghẻ”

Ngày 28-12, CQCSĐT quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, đơn vị đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang, 26 tuổi, quê Gia Lai về Tội hành hạ người khác.

Qua xác minh, lực lượng chức năng được biết, anh T và Nguyễn Võ Quỳnh Trang có sống chung như vợ chồng từ giữa năm 2020 tại một căn hộ ở Saigon Pearl.

Khoảng 14g ngày 22-12, anh T đi làm, còn Trang ở nhà dạy học cho cháu A Trong quá trình dạy học, cháu A chậm tiếp thu bài nên bị Trang lớn tiếng la mắng và dùng cây gỗ tròn dài cả mét, đánh nhiều cái vào mông cháu A và còn dùng chân đá...

Đến khoảng 18g ngày 22-12, cháu A vào phòng ngủ, bị nôn ói, lúc này Trang phát hiện nên gọi điện cho anh T về nhà sơ cứu, và cùng bảo vệ chung cư đưa cháu vào BV cấp cứu, sau đó cháu gái tử vong.

Tại CQĐT, Trang khai trong quá trình dạy học, do bực tức việc cháu A chậm hiểu bài nên đã lớn tiếng la mắng, và dùng cây gỗ đánh, dùng chân đá. Ngoài ra, Trang còn khai trước đó cũng nhiều lần dùng roi mây đánh và la mắng cháu A trong lúc dạy học.

Kết quả sơ bộ khi giải phẫu, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định cháu A. tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, khu vực phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù.

Phải xử lý về Tội giết người mới phù hợp

Hành vi độc ác của Trang khiến dư luận bức xúc, lên án. Nhiều bạn đọc cho cho rằng, nếu chỉ khởi tố Trang về tội "Hành hạ người khác" là chưa đủ răn đe.

Trao đổi với về vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ việc này bé gái mới chỉ 8 tuổi, là người chưa thành niên và là trẻ em nên được pháp luật quy định rất cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, những người thân thích, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, bất kỳ người xâm phạm đó là ai.

Theo luật sư, việc CQĐT khởi tố vụ án về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS năm 2015 với trường hợp này có lẽ chỉ là bước đầu để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra rất có thể CQĐT sẽ thay đổi tội danh sang Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người. Với Tội hành hạ người khác theo Điều 140 mức hình phạt chỉ đến 3 năm tù bởi hành vi hành hạ người khác chỉ có thể gây ra ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tổn thương cơ thể chứ không phải là đánh đập gây thương tích hoặc gây thiệt mạng nạn nhân.

Theo luật sư Thái, trường hợp hành vi hành hạ dẫn đến gây thương tích hoặc nạn nhân thiệt mạng phải xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Bởi Điều 140 BLHS năm 2015 quy định về hậu quả của hành vi hành hạ là ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe chứ không phải là hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Theo quy định của BLHS năm 2015, hành vi hành hạ người khác dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong sẽ không xử lý theo Điều 140 mà phải xử lý về Tội giết người mới phù hợp với quy định của pháp luật.

“Điều 140 quy định hậu quả của hành vi hành hạ là làm nạn nhân rối loạn tâm thần và hành vi có thể gây tổn thương cơ thể chứ không phải là hậu quả tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Trong khi đó, vụ việc này hậu quả tước đoạt tính mạng của nạn nhân đã xảy ra nên về mặt tội danh CQĐT sẽ xem xét làm rõ trong quá trình điều tra vụ án”, luật sư Thái cho hay.

Luật sư Thái phân tích, trường hợp đối tượng đánh vào những vùng hiểm yếu hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm gây ra thương tích nghiêm trọng dẫn đến nạn nhân tử vong phải xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người thì mới phù hợp với quy định của pháp luật.

“Ngoài xử lý nghiêm minh hành vi của đối tượng trực tiếp bạo hành bé gái 8 tuổi, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ hành vi, vai trò, trách nhiệm của người cha trong vụ án này. Trong trường hợp người cha có biết về hành vi đánh đập con nhưng không can ngăn mà lại còn giúp sức, xúi giục thì người cha này cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người đã đánh đập cháu bé.

Vụ việc cũng là bài học cho những bậc làm cha, làm mẹ khi thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm giáo dục, bảo vệ con cái. Trong đó, người gây ra thương tích, tước đoạt tính mạng của cháu bé cần phải bị nghiêm trị bằng chế tài của pháp luật”, luật sư Thái phân tích.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.