Vụ chủ nhà trọ để xảy cháy làm 2 người tử vong: Lý do tòa trả hồ sơ

TAND quận Ba Đình, Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thế Hiệp, SN 1944, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, về tội “Vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy”.
Bị cáo Hiệp tại phiên tòa HĐXX trả hồ sơ vụ án Box:
Bị cáo Hiệp tại phiên tòa HĐXX trả hồ sơ vụ án

Trong phần làm thủ tục phiên tòa, HĐXX cho hay, bị cáo Hiệp có 10 tên gọi khác nhau, từng bị phạt 2 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, 18 năm tù về các tội: “Cướp tài sản”, “Hiếp dâm”, “Đưa hối lộ”; 15 năm về các tội: “Đào ngũ”, “Giả mạo cán bộ Nhà nước”; 9 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trình bày trước tòa, bị cáo Hiệp giải thích việc có đến 10 tên gọi khác nhau là do bị cáo bỏ nhà từ nhỏ, sống lang bạt ở vỉa hè, gầm cầu.

Trong số các bị hại, 2 người đề nghị xem xét, đánh giá lại về tổn thất tài sản khi CQĐT xác định họ là cá nhân, hộ gia đình trong khi 2 người còn lại kinh doanh, nên thiệt hại thực tế lớn hơn. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hiệp có cùng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, do phiên tòa hôm nay vắng mặt nhiều người quan trọng. "Chúng tôi đề nghị triệu tập 3 người làm chứng, để làm rõ việc ngọn lửa bắt nguồn từ đâu. Ngoài ra, một số nhân chứng khác vắng mặt tại tòa có nhiều thay đổi về lời khai, họ cần được triệu tập để làm rõ”, luật sư bào chữa cho bị cáo nói.

Những người bào chữa cho bị cáo Hiệp nhắc đến một tập hồ sơ điều tra bị đóng dấu "mật". Như lời luật sư, điều này không đúng quy định khi phiên tòa xét xử công khai; luật sư không được tiếp cận nội dung hồ sơ nên không đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.

Trước những ý kiến nêu trên, HĐXX đã tiến hành hội ý và ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, do nhiều chứng cứ, người liên quan, người làm chứng không thể triệu tập ngay lập tức. Về tài liệu đóng dấu "mật" mà luật sư nêu, HĐXX cho biết, trước khi phiên tòa diễn ra, HĐXX đã gửi công văn đề nghị CQĐT giải mật tài liệu nhưng đến hiện tại vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Các cơ quan tố tụng làm rõ, bị cáo Nguyễn Thế Hiệp kinh doanh cho thuê nhà trọ tại khu vực ngách tập thể cơ khí C70, ngõ 879 Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Tại khu vực này, ông Hiệp có 5 nhà trọ. Quá trình kinh doanh, bị cáo không xin phép các cơ quan có thẩm quyền mà tự ý cơi nới mở rộng nhà trọ bằng cách dựng khung sắt, sau đó làm sàn và vách ngăn phòng bằng các vật liệu như gỗ dán, tôn xốp...; tự ý lắp đặt hệ thống điện không đồng bộ, tự ý câu dẫn điện từ nhà này qua nhà khác để sử dụng, không trang bị đầy đủ các bình chữa cháy và các tiêu lệnh chữa cháy tại các nhà trọ và các nhà trọ này không có lối thoát hiểm đúng quy định.

Trước khi xảy ra vụ cháy, ngày 3-4-2018, đoàn kiểm tra liên ngành của phường Ngọc Khánh đã kiểm tra công việc kinh doanh nhà trọ, việc phòng cháy, chữa cháy... tại khu nhà trọ của bị cáo Nguyễn Thế Hiệp và đã lập biên bản ghi nhận: “Không có đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ quản lý phòng cháy, chữa cháy, không có phương tiện phòng cháy, chữa cháy, không đảm bảo về khoảng cách phòng cháy, chữa cháy, lối thoát nạn không đảm bảo theo quy định, chưa có tổ phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, hệ thống điện thiết kế lắp đặt quản lý sử dụng không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy”.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ nhà trọ dừng ngay hoạt động kinh doanh; làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, hồ sơ phương án, phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Lúc đó, bị cáo Nguyễn Thế Hiệp đã ký biên bản và cam kết thực hiện. Tuy nhiên, bị cáo Hiệp đã không thực hiện yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Các vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên đã dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng khi xảy ra vụ cháy vào khoảng 17g ngày 17-9-2018, tại ngách tập thể cơ khí C70, ngõ 879 Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Nguyên nhân cháy là do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh.

Vụ cháy đã làm chết 2 người là vợ chồng anh Tạ Văn Tính, SN 1976; chị Hà Thị Lành, SN 1977, cùng quê Phú Thọ; gây thiệt hại gần 1,9 tỷ đồng.

Tại tòa, bị hại có nhà bị cháy cho biết, họ là người buôn bán có đăng ký kinh doanh, số tài sản "đã ra tro" của họ là hàng hóa và phải được định giá cao hơn tài sản đã qua sử dụng. Cơ quan định giá lại cho rằng, họ là hộ dân bình thường nên hàng hóa bị mất chỉ là tài sản cũ, áp mức thiệt hại thấp hơn. Các bị hại này đề nghị tòa án xem xét lại vấn đề trên.

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.