Giáo dục trẻ khuyết tật ngày càng hoàn thiện

Giáo dục trẻ khuyết tật (TKT) cần phải tạo được môi trường giáo dục hòa nhập thân thiện, bình đẳng và có chất lượng. Việc các em được học tập cùng với các học sinh khác sẽ góp phần tạo ra một xã hội không kì thị, nơi có thể nuôi dưỡng các giá trị công bằng về quyền và cơ hội...
TKT cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập.
Trẻ khuyết tật cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập.

Giáo dục TKT chất lượng, thân thiện và bình đẳng luôn được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. TKT cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT giáo dục TKT ở Việt Nam vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Ở vùng sâu, vùng khó khăn các em chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ và chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phát triển; Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục TKT còn ít. Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam có khoảng 1,3 triệu TKT và là nước đầu tiên của châu Á, thứ 2 trên thế giới ký cam kết thực hiện Công ước Quốc tế về quyền trẻ em vào năm 1991.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chương trình, đề án, cơ chế chính sách để hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ về giáo dục đối với TKT.

Việt Nam hiện có 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 97 trường chuyên biệt dành cho TKT và học hòa nhập ở tất cả các cơ sở giáo dục. Số trẻ đến học tại các cơ sở hòa nhập ngày càng tăng, đặc biệt ở bậc tiểu học và Mầm non, một số lượng đáng kể tiếp tục học lên THCS và THPT. Năm học 2016-2017, có trên 60% TKT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

Để tăng cường tiếp cận giáo dục cho TKT chưa có điều kiện đi học tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có chương trình giáo dục từ xa thông qua ứng dụng CNTT và đưa giáo dục về gia đình TKT. Đặc biệt Thông tư 42/2013 quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật (Thông tư 42) của liên Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính được xem là chính sách ưu việt tiếp sức cho trẻ khuyết tật đến trường. Tuy nhiên việc triển khai chính sách này vẫn gặp không ít các rào cản.

Phản ánh từ nhiều địa phương cho biết hiện nay nhiều nơi vẫn chưa có trung tâm, trường chuyên biệt hay đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập dành riêng cho học sinh khuyết tật cũng không có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục trẻ khuyết tật nên việc chăm sóc, dạy dỗ các em còn gặp nhiều khó khăn. Đánh giá về việc triển khai thông tư 42 trong báo cáo gửi Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận, mặc dù đến nay các địa phương đều đã triển khai thực hiện thông tư 42 đặc biệt là việc chi trả học bổng, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Một vấn đề khác đó là hiện nay nhiều tỉnh thành không có các trường chuyên biệt trong khi thực tế nhu cầu học trong các trường chuyên biệt đối với những trường hợp không thể học hòa nhập là rất khó khăn. Một số địa phương cơ sở giáo dục chuyên biệt còn đặt ngay tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Vẫn còn nhiều trường hợp TKT thực sự nhưng chưa được thừa nhận là khuyết tật để được ứng xử và tiếp cận phù hợp trong giáo dục. Các địa phương không có cơ quan chuyên môn về tâm lý, tâm thần để có thể sử dụng các công cụ đánh giá, sàng lọc. TKT sẽ phát huy tiềm năng khi được tạo điều kiện để tham gia vào trường học và xã hội. Tuy nhiên, vấn đề sẽ khó được giải quyết triệt để nếu chỉ có sự nỗ lực từ một phía.

Trên cơ sở thực tế trường phổ thông Việt Nam đang tồn tại học sinh khuyết tật học tập, ngành GD&ĐT cần tiến hành các hoạt động bồi dưỡng năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Các hoạt động này nên được đưa vào kế hoạch và chương trình hành động chung cho ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông (bậc Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông). Đối với giáo dục đại học, cần đưa vào chương trình học cho sinh viên sư phạm các ngành Giáo dục Đặc biệt, Giáo dục Tiểu học; các ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội,… những học phần về Khuyết tật học tập đặc thù. Đối với học sinh khuyết tật học tập, sự điều chỉnh là rất cần thiết. Tùy theo khả năng nhận thức và mức độ khó khăn của học sinh mà giáo viên lựa chọn cách thức điều chỉnh.

Thái Yên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.