Giải đáp pháp luật

Những thủ tục giúp người khuyết tật vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh

Mức vay, lãi suất vay vốn và thủ tục cho vay thực hiện theo quy định của các quĩ trên. Các cơ sở khi có nhu cầu hỗ trợ, vay vốn phải có dự án gửi Sở lao động – thương binh và xã hội, Sở tài chính để kiểm tra, thẩm định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi tên là Hoàng Trí Cương, tôi là người khuyết tật, sau khi được đào tạo học nghề, tôi muốn mở một cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng do thiếu vốn nên tôi muốn được hỏi người khuyết tật như tôi khi vay vốn có được hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi hay không và để vay được vốn thì tôi cần phải làm những thủ tục gì?

Đáp: Theo thông tư liên tịch bộ lao động - thương binh và xã hội, bộ tài Chính, bộ Kế hoạch và đầu tư số 01/1998//TTLT- BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 31-01-1998 về việc hướng dẫn thi hành nghị định số 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính phủ về lao động là người tàn tật: người khuyết tật được xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật và nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo. Mức vay, lãi suất vay vốn và thủ tục cho vay thực hiện theo quy định của các quĩ trên. Các cơ sở khi có nhu cầu hỗ trợ, vay vốn phải có dự án gửi Sở lao động – thương binh và xã hội, Sở tài chính để kiểm tra, thẩm định.

* Hồ sơ dự án gồm:

- Công văn đề nghị hỗ trợ vốn hoặc vay vốn.

- Dự án đề nghị cấp vốn hoặc vay vốn.

- Danh sách lao động (hoặc học viên) đang được sử dụng (hoặc đang học), trong đó ghi rõ danh sách người khuyết tật có xác nhận của Phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện.

- Bản sao giấy chứng nhận “Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật” hoặc “Cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật”. Dự án đề nghị cấp vốn hỗ trợ và dự án đề nghị vay vốn phải làm riêng (thông tư liên tịch 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC- BKHĐT ngày 19-5-2005, Phần 8, tiết 3).

* Điều kiện được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

+ Nếu người vay vốn là hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh:

- Người vay vốn phải có dự án vay vốn khả thi, phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định.

- Dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án.

- Có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định của pháp luật.

+ Nếu người vay vốn là hộ gia đình:

- Phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi vay vốn thực hiện dự án.

- Phải bảo đảm tạo thêm tối thiểu 01 chỗ làm việc mới.

- Dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án.

Bản Sa

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.