Thầy trò Hà Nội đồng lòng vượt mọi khó khăn, tạm dừng đến trường, không dừng việc học

Giáo dục Thủ đô cũng như cả nước trải qua một năm đầy rẫy khó khăn, học sinh không thể đến trường do Covid-19 hoành hành. Các cô giáo mầm non, giáo viên trường ngoài công lập không có thu nhập. Dậy và học online, giáo viên có tuổi khó khăn khi áp dụng công nghệ, gia cảnh nhiều học trò thì túng, mấy anh chị em chung nhau chiếc điện thoại bé xíu để học. Nhưng hơn cả, vượt qua những điều đó, bằng sự đồng lòng, quyết tâm, sẻ chia, chung sức, Hà Nội vẫn khẳng định vững chắc vị trí đứng đầu cả nước trong công tác GD&ĐT.
Thầy và trò TP Hà Nội đã nỗ lực duy trì việc dạy và học, chủ động sáng tạo, đồng lòng vượt qua khó khăn. Ảnh: Khánh Huy
Thầy và trò TP Hà Nội đã nỗ lực duy trì việc dạy và học, chủ động sáng tạo, đồng lòng vượt qua khó khăn. Ảnh: Khánh Huy

Đồng lòng vượt khó

Một buổi chiều mưa tầm tã, vừa cắt tóc cho con trai tôi, anh thợ vừa kể, vào năm học mới, anh chỉ mong hai đứa con được đến trường đi học. Nhà túng quá, anh cắt tóc, chị vợ thì người ta mang đến sửa cái quần cái áo, mới có thêm vài đồng đi chợ. Cố lắm mới mua được cho hai đứa con cái máy tính cũ để học online. Thế nhưng có lúc hai đứa trùng giờ học, không thể chung máy, mà cái điện thoại tậm tịt của anh thì lúc bắt được mạng lúc không. Nhiều lúc thương con mà ứa nước mắt. May thế nào có khách đến cắt tóc thấy vậy, không nói không rằng về nhà chở ngay cái máy tính bảo gia đình không dùng đến, tặng hai cháu lấy cái mà học. Tấm lòng của người khách cũng giống như nhiều gia đình khác ở Thủ đô, có thể công khai hay thầm lặng, đã cùng chung tay góp sức vào chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Năm học 2021-2022, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã phát động, quyên góp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tính đến thời điểm này, đã có gần 7000 học sinh thuộc các đơn vị, trường học của TP Hà Nội được nhận thiết bị học trực tuyến từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, với tổng giá trị trên 23 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị, trường học đã hỗ trợ gần 2,8 tỷ đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm kinh phí mua sách, vở, đồ dùng học tập...

Cô em dâu tôi là giáo viên mầm non, đã phải nghỉ việc ở nhà cả năm nay. Và với tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, chưa biết bao giờ các bé mầm non mới trở lại trường. Đồng nghĩa với điều đó, em tôi và các cô giáo mầm non còn thất nghiệp dài dài. Học sinh không đi học, trường không có nguồn thu, nhưng Ban giám hiệu trường em tôi vẫn cố gắng cân đối từ các quỹ tiền lương, quỹ dự phòng để hỗ trợ các cô mỗi tháng vài triệu, đủ duy trì cuộc sống. Thời gian qua, TP Hà Nội cũng luôn kiên định chủ trương vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các đối tượng khó khăn, trong đó, có các giáo viên mầm non ngoài công lập.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, TP đã ban hành Quyết định số 3642 ngày 21-7-2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Quyết định này quy định rõ các mức hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó, có các giáo viên mầm non ngoài công lập đang phải tạm nghỉ việc. Đối với chính sách này, toàn TP đã hỗ trợ cho 9.535 người với số kinh phí chi trả gần 25,7 tỷ đồng. Ngoài ra, từ đầu năm học đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hỗ trợ cho 350 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; trao 700 “Túi an sinh công đoàn”...

Để bảo đảm chính sách an sinh xã hội thời gian tới, trong đó có đối tượng giáo viên mầm non khi đang phải nghỉ dạy học hơn 7 tháng, TP sẽ tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội để người lao động giảm bớt khó khăn. UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GD&ĐT rà soát để bổ sung cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ riêng với giáo viên mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các giáo viên đang đóng bảo hiểm bắt buộc nhưng phải tạm hoãn.

Nỗ lực duy trì dạy và học trong tình hình mới

Nhìn lại 2 năm ứng phó với đại dịch, nhiều cán bộ quản lý giáo dục đều cho rằng, Covid-19 mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục nhưng cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng với việc dạy và học trực tuyến.

Dịch bệnh không mong muốn lại là cơ hội để các thầy cô giáo chủ động, tích cực và buộc phải thay đổi. Nhiều thầy cô ở mọi lứa tuổi, chức vụ với kinh nghiệm công tác khác nhau, đặc biệt là các giảng viên trẻ đều cùng tham gia vào quá trình tích lũy và chia sẻ kiến thức trên nền tảng Internet. Hệ thống hồ sơ giáo án được thiết kế hiện đại, dễ sử dụng, dễ khai thác, đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp và các nhiệm vụ chuyên môn, tiết kiệm rất nhiều cho việc in ấn giáo án một cách lãng phí. Đồng thời, các thầy cô dành nhiều thời gian hơn vào việc đọc, nghiên cứu, thao tác cùng máy móc để soạn ra những bài giảng thu hút, lôi cuốn học sinh, sinh viên trong các giờ học online.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục xây dựng, bổ sung kho học liệu điện tử nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh có nguồn tư liệu tham khảo được thẩm định. Khó khăn chồng chất, nhưng GD&ĐT Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ngành đã duy trì chương trình kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT an toàn.

Đặc biệt, học sinh Thủ đô tiếp tục giành thành tích ấn tượng, với 139 giải, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số học sinh đạt nhiều giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; và 365 giải và 57 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Đây là nền tảng, động lực cho toàn ngành tiếp tục vượt khó hoàn thành “nhiệm vụ kép”: Vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai hiệu quả chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng, tiến độ kế hoạch thời gian năm học 2021-2022.

Câu chuyện xúc động về việc dậy và học online trong khu cách ly do một đồng nghiệp của tôi kể lại. Cùng cả gia đình cách ly tại điểm Học viện Nông nghiệp (Gia Lâm), cô N.T.T (Ninh Hiệp) không nằm chờ hết thời gian. Vốn là giáo viên tiểu học nên việc dạy của cô cũng không hề gián đoạn. Để tránh các con phân tâm bởi ngoại cảnh nên trong thời gian lên lớp, cô T thường tắt camera, điều mà ngày thường cô không bao giờ làm. Thế nên, sau vài buổi học, học sinh của cô lại rất lo lắng. “Có con sau buổi học cứ nài nỉ cô nán lại với các con đôi chút rồi hỏi han sức khỏe của cô. Thậm chí có con còn yêu cầu cô bật camera cho các con nhìn để biết rằng cô hoàn toàn bình yên, khỏe mạnh”.

Nỗ lực duy trì việc dạy và học của thầy và trò toàn TP cũng chứng minh một điều, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu chủ động và sáng tạo, đồng lòng vượt qua nghịch cảnh thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, dịch Covid-19 có thể xem là “phép thử” đối với cơ quan quản lý, các nhà trường và đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Trong đó, việc biết sử dụng công nghệ để hỗ trợ học sinh, thực hiện việc dạy học trong những tình huống bất ngờ cũng là một đòi hỏi thực tiễn. Giáo viên không phải truyền tri thức theo kiểu rót nước mà phải truyền thụ linh hoạt, qua nền tảng công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược. Nhiều giáo viên sau thời gian thử sức cũng đã tìm thấy được niềm vui, động lực sáng tạo, nhìn ra được sức mạnh của công nghệ, biết tích hợp nhiều học liệu để bài giảng không khô cứng.

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.