Người truyền lửa

Giờ đây, ông không thể đọc được những bài báo của cháu, không nhìn thấy cháu mạnh mẽ, trưởng thành từng ngày nhưng cháu tin, ông vẫn luôn bên cạnh, ủng hộ cháu vững bước tiến về phía trước, phải không ông?
Người truyền lửa
Ảnh minh họa

Vậy là ông đã về nhà mới rồi ông nhỉ? Cháu đã rất nhớ ông. Nhớ rất nhiều. 8 năm rồi cháu không được gọi "Ông ơi!" nhưng thực ra mỗi lần gặp điều gì khó khăn, cháu lại nghĩ đến ông để có thêm động lực bước tiếp. Cháu vẫn luôn tìm kiếm hình ảnh của ông trong bóng hình của những cụ già cháu gặp trên đường. Mỗi lần như vậy, cháu lại nhớ những lần ông chở cháu đi học trên chiếc xe cũ kỹ của ông. Cháu yêu lắm tấm lưng gày guộc của ông, đôi chân thì đạp xe phăng phăng trên đường cùng lời dặn: Cháu ngồi chắc nhé!

Những kỷ niệm của hai ông cháu mình lúc nào cũng sống mãi trong trái tim cháu, kể cả những lần bị ông mắng, suýt bị ăn đòn. Ông còn nhớ không, có lần cháu đòi bà cho nấu cơm nhưng bà bảo cháu chưa nấu được, thế là cháu ngồi phệt ngoài cửa bếp ăn vạ. Ông bảo cháu lên nhà, cháu không nghe, ông liền cầm cái chổi rễ xuống bếp. Cháu biết ông chỉ dọa thôi chứ ông sẽ không đánh cháu nên lại càng được đà khóc to hơn. Mỗi lần cháu bị ông mắng xong thì ông cũng luôn là người làm hòa trước. Biết sở thích của cháu nên mỗi lần đi họp về, ông lại mua quà cho cháu. Kể cả cháu đã lớn và có gia đình thì vẫn được ông yêu chiều hết mực. Thấy cháu về thăm, ông lại dấm dúi ít tiền cho cháu và bảo: “Ông cho này!” Nước mắt cháu trào ra, cháu bảo: “Cháu lớn rồi, ông không phải lo cho cháu nữa”. Khi ông bị bệnh nặng, giọng nói bị méo đi thì ông vẫn không quên nhắc cháu giữ gìn sức khỏe, ăn uống đều đặn.

Ông chính là người tiếp sức mạnh cho cháu khi cháu theo nghề báo. Hồi cháu thi vào trường CĐ Truyền hình, cháu chỉ chọn nghề mà mình thích, chứ không nghĩ đến việc sau này xin việc khó. Đi thi, cháu mới biết nhiều bạn được bố mẹ định hướng cho từ đầu. Cháu cũng hơi hoang mang. Thế là cháu nghĩ: Thôi kệ, mình cứ thi. Đến đâu hay đến đó”. Cháu nhớ, lần cháu xin thực tập ở một tờ báo, khi được hỏi tại sao lại muốn thực tập ở đây, cháu nói rằng ông cháu là độc giả của báo gần 20 năm rồi và cháu đã đọc ké từ khi biết tờ báo là gì. Thế là cháu được nhận.

Sau khi cháu tốt nghiệp, ông lo lắng, chạy đôn chạy đáo xin việc cho cháu. Thế nhưng, cháu bảo ông hãy để cháu tự lập. Thế là cháu vừa học lên Đại học, vừa cộng tác với nơi cháu từng thực tập. Rồi cháu trúng tuyển phỏng vấn cộng tác viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, người cháu báo tin vui đầu tiên là ông. Ông đã rất vui và động viên cháu làm việc tốt. Ai hỏi cháu làm gì?, ông liền khoe với ánh mắt rạng ngời: Cháu nó là nhà báo. Dù hồi đó, cháu chưa chính thức là một nhà báo nhưng cháu cảm thấy vui vì cháu mang lại niềm vui cho ông. Cháu có may mắn là dù thực tập, cộng tác, làm việc ở đâu cũng được mọi người giúp đỡ nhiệt tình. Và cháu luôn trân trọng, biết ơn những tình cảm đó.

Giờ đây, ông không thể đọc được những bài báo của cháu, không nhìn thấy cháu mạnh mẽ, trưởng thành từng ngày nhưng cháu tin, ông vẫn luôn bên cạnh, ủng hộ cháu vững bước tiến về phía trước, phải không ông?

Đan Đan

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.