Tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Bổ trợ tư pháp là lĩnh vực có vị trí quan trọng, góp phần vào việc bảo đảm công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Công dân lấy kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa Sở Tư pháp Hà Nội
Công dân lấy kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa Sở Tư pháp Hà Nội

Tại phiên họp thảo luận “Tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ bổ trợ tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.

Với định hướng xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, Chiến lược cải cách tư pháp xác định: Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó. Hoàn thiện chế định công chứng, xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng; xây dựng mô hình quản lý Nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp, có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, trong thời gian qua các quy định pháp luật về các lĩnh vực công chứng, trọng tài và hòa giải thương mại đã từng bước được hoàn thiện, trực tiếp là Luật Công chứng năm 2014, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Qua đó, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ, tăng cường năng lực cho các tổ chức và cán bộ bổ trợ tư pháp đáp ứng với nhu cầu của người dân và xã hội. Trên cơ sở các quy định pháp luật được hoàn thiện, hoạt động công chứng, hòa giải và trọng tài thương mại đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Công tác quản lý Nhà nước cũng ngày càng đi vào chiều sâu, có sự phối hợp giữa các cơ quan để triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động trong bối cảnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong thực thi các quan hệ dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại.

Tuy nhiên, các hoạt động công chứng, trọng tài và hòa giải thương mại ở Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức như: Chất lượng cung cấp dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân và xã hội, hòa giải và trọng tài thương mại còn chưa được người dân sử dụng như những biện pháp hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các dịch vụ bổ trợ tư pháp, trọng tâm là công chứng, trọng tài và hòa giải thương mại, trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia các cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả các tổ chức hành nghề cung cấp các dịch vụ trong những lĩnh vực này.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Tư pháp Thành phố, những năm qua hoạt động bổ trợ tư pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó công chứng, luật sư, giám định tư pháp, hòa giải thương là những lĩnh vực hoạt động có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, chú trọng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã góp phần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Trong năm 2021, 122 tổ chức hành nghề công chứng tại Hà Nội đã ký 457.167 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 3.575.737 bản sao; chứng thực chữ ký được 65.765 việc; thu hơn 253 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31-10-2021, Hà Nội tổng số tổ chức hành nghề luật sư là 1.440 tổ chức với 4.768 luật sư hành nghề. Cũng tính đến thời điểm này, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện xong: 4.926 việc, trong đó: 394 việc tố tụng, 4.054 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác và 478 việc trợ giúp pháp lý, doanh thu gần 722 tỷ đồng, nộp thuế gần 185 tỷ đồng.

Lĩnh vực trọng tài thương mại, Hà Nội hiện có 10 Trung tâm trọng tài thương mại, 01 chi nhánh. Lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, năm 2021, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội và các Chi nhánh đã thụ lý về đăng ký biện pháp bảo đảm 120.617 việc, đã giải quyết được 120.113 việc.

Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm khảo sát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật đối với hoạt động bổ trợ tư pháp.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.