Chính sách trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật

Nhiều chính sách về người khuyết tật ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật.
Chính sách trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật
Ảnh minh hoạ

Uớc tính cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Người khuyết tật được hưởng nhiều chính sách trong đó có trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tư pháp.

Cụ thể, trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật. Quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý 2006 (quy định người khuyết tật không nơi nương tựa được trợ giúp pháp lý), đến nay tiếp tục được kế thừa tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý).

Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15-12-2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý.

Ngoài trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì người khuyết tật cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau: người khuyết tật là người có công với cách mạng; người khuyết tật là người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật là trẻ em; người khuyết tật là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đó, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng với tất cả lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho người được trợ giúp pháp lý.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thuộc các trường hợp:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Như vậy, khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý, người khuyết tật có khó khăn về tài chính có thể tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố để được hướng dẫn và giải quyết.

Theo Chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021-2025, UBND TP Hà Nội giao Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp chủ trì thực hiện nội dung tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tập có khó khăn về tài chính. UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các tổ chức của người khuyết tật là đơn vị phối hợp tăng cường thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính bằng các hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Về tư vấn pháp luật: Tăng cường thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tại Hội Người khuyết tật, Hội Người mù, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu. Trong đó, tăng cường tư vấn chính sách đặc thù dành cho người khuyết tật (quyền được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng, trợ cấp xã hội, học tập, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hội của người khuyết tật...). Mỗi năm, thực hiện từ 100 đến 120 cuộc tư vấn pháp luật tại cơ sở.

Về tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước chủ trì thực hiện nội dung nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và những người thực hiện trợ giúp pháp lý khác các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý phù hợp đối với từng dạng tật và kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Mỗi năm, tổ chức từ 5 đến 7 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về truyền thông trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính thông qua các hoạt động thích hợp, UBND thành phố giao Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước) là đơn vị chủ trì. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, các báo của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức của người khuyết tật là đơn vị phối hợp.

Đỗ Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.