Vụ vạch xương cá “tiến thoái lưỡng nan”

Lỗi kỹ thuật của đơn vị thi công vạch kẻ đường

Luật sư cho hay, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu đã từng bị xử phạt hành chính tại điểm nút giao thông này, hiện tại còn giữ biên bản xử phạt, biên lai nộp tiền phạt thì có quyền liên hệ với Cơ quan CSGT đã ban hành những văn bản này để yêu cầu hủy biên bản, thu hồi lại số tiền đã nộp kho bạc.
Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, đoạn đường kẻ vạch xương cá nói trên đang có sự bất cập trong tổ chức giao thông
Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, đoạn đường kẻ vạch xương cá nói trên đang có sự bất cập trong tổ chức giao thông

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức khẳng định, đoạn đường kẻ vạch xương cá “tiến thoái lưỡng nan”, đi thẳng thì mắc lỗi đè vạch xương cá mà tạt sang làn bên cạnh thì mắc lỗi đè vạch kẻ liền từng gây sốt cộng đồng mạng xã hội hồi tháng 11 vừa qua đang có sự bất cập trong tổ chức giao thông.

Cụ thể, nội dung nêu trên được thể hiện trong Văn bản số 5980/SGTVT-QLKCHTGT do Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn ký, gửi báo chí trả lời về phản ánh vạch sơn xương cá trên tuyến đường Vành đai 3 (QL1) đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến lý trình Km159+258 (qua nút giao đường Vành đai 3 với QL5 cũ khoảng 950m).

Sau khi báo chí thông tin về vụ việc, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng đã thừa nhận sai, bất cập thì theo luật, những người dân đã bị phạt "nhầm" ở đây có quyền kiện đòi lại tiền phạt không?

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nhiều tuyến đường được bố trí, điều tiết giao thông bằng vạch kênh hóa dòng xe, hay còn gọi là vạch xương cá. Đây là nhóm vạch kẻ đường được quy định rõ trong Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QC:41/2019 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020.

Theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QC:41/2019, khi các loại vạch này được sử dụng, phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Việc lưu thông phương tiện vào nhóm vạch kẻ đường này còn có thể bị CSGT xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, hành vi điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền 200-400 nghìn đồng với ô tô và 100.000-200.000 đồng đối với xe máy. Nếu phạm lỗi này mà gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 - 4 tháng.

Tuy nhiên, trong vụ việc trên, vạch xương cá được đơn vị kỹ thuật bố trí sai, đây là một lỗi kỹ thuật tuy không quá phổ biến, nhưng nó đã gây không ít phiền toái cho người điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua đoạn đường này. Luật sư Thái cho rằng đây có thể do lỗi kỹ thuật của đơn vị thi công vạch kẻ đường, từ sai sót này Cơ quan chức năng cần thường xuyên, liên tục giám sát việc kẻ vạch kẻ đường nhằm tránh sai sót đáng tiếc xảy ra.

Theo phản ánh từ báo chí, đoạn đường kẻ vạch xương cá này đã gây sốt cộng đồng mạng khi được coi là khiến người đi đường “tiến thoái lưỡng nan”, đi thẳng thì mắc lỗi đè vạch xương cá mà tạt sang làn bên cạnh thì mắc lỗi đè vạch kẻ liền. Sở GTVT TP Hà Nội đã chính thức thừa nhận, đoạn đường kẻ vạch xương cá "tiến thoái lưỡng nan" đang có sự bất cập trong tổ chức giao thông. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có lỗi đương nhiên là không hợp pháp và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu từng bị “phạt nhầm” ở điểm nút giao thông này về lỗi này có quyền yêu cầu đòi lại tiền phạt.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu đã từng bị xử phạt hành chính tại điểm nút giao thông này, hiện tại còn giữ biên bản xử phạt, biên lai nộp tiền phạt thì có quyền liên hệ với Cơ quan CSGT đã ban hành những văn bản này để yêu cầu hủy biên bản, thu hồi lại số tiền đã nộp kho bạc.

Trường hợp các yêu cầu trên không được cơ quan chức năng chấp thuận thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Bộ luật Tố Tụng hành chính.

Theo Luật sư Thái, để giải quyết triệt để vấn đề sai sót về mặt kỹ thuật này, Cơ quan chức năng, cụ thể là Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, Bộ GTVT cần thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường trọng điểm có lưu lượng lớn phương tiện tham gia giao thông, các tuyến đường ở khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông đảm bảo về mặt kỹ thuật để các phương tiện tham gia giao thông an toàn, kịp thời khắc phục các sai sót về mặt kỹ thuật.

Ngoài ra, người dân, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu trực tiếp phát hiện các lỗi về mặt kỹ thuật liên quan đến vạch kẻ đường và những vấn đề sai sót khác trên các tuyến giao thông, cần phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để khắc phục nhanh chóng những sai sót này, tránh các hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.