Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho những trẻ em bị thiệt thòi

Bảo vệ, bảo đảm các quyền của trẻ em luôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có trẻ em con nuôi. Sở Tư pháp Hà Nội luôn chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết nuôi con nuôi, vì lợi ích tốt nhất cho những trẻ em bị thiệt thòi.
-	Cán bộ Sở Tư pháp Hà Nội kiểm tra công tác lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi tại đơn vị thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội
Cán bộ Sở Tư pháp Hà Nội kiểm tra công tác lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi tại đơn vị thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Báo cáo đánh giá kết quả thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La hay trên toàn quốc, đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Nuôi con nuôi cho biết, kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi trong giai đoạn 2011-2021, toàn quốc đã giải quyết được 26.623 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi trong nước, 3896 trẻ em làm con nuôi nước ngoài và 542 trường hợp giải quyết trong năm 2011 theo quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Để tăng cường công tác giải quyết nuôi con nuôi trong tình hình mới, Sở Tư pháp Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn TP đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Theo đó, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi, Công ước La Hay, các văn bản của Chính phủ và Bộ Tư pháp, tuyên truyền Hiến pháp năm 2013. Nhấn mạnh nội dung đảm bảo quyền con người, trong đó quyền trẻ em khi thực thi Luật Nuôi con nuôi, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn, phát hành tờ gấp tìm hiểu một số nội dung về đăng ký nuôi con nuôi trong nước, con nuôi quốc tế.

Hiện nay, Hà Nội đã sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; triển khai ứng dụng CNTT thủ tục về đăng ký hộ tịch, đăng ký nuôi con nuôi trên Hệ thống Một cửa điện tử, Dịch vụ công trực tuyến.

Việc ứng dụng CNTT trong đăng ký nuôi con nuôi tạo thuận lợi cho công chức tư pháp theo dõi, kiểm tra, thống kê số liệu nhanh, chính xác, đầy đủ thông tin, giảm thao tác, rút ngắn thời gian. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT trong đăng ký nuôi con nuôi cũng tạo nên môi trường làm việc khoa học, hiệu quả, góp phần đáng kể trong cải cách TTHC, từng bước hiện đại hóa nền hành chính ở cấp địa phương.

Cùng với đó, các TTHC về nuôi con nuôi, quy định về lệ phí nuôi con nuôi được công khai trên cổng, trang thông tin điện tử để người dân trực tiếp tra cứu. Sổ đăng ký nuôi con nuôi được ghi chép đầy đủ, hồ sơ được lưu trữ đúng quy định tại Thông tư của Bộ Tư pháp về ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi.

Tính đến nay, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội đã đăng ký hơn 1.500 trường hợp nuôi con nuôi trong nước. Các hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trên địa bàn TP được giải quyết đúng quy định pháp luật, việc nuôi con nuôi xác lập quan hệ pháp lý và tình cảm giữa cha, mẹ và con, bảo đảm trẻ em được nhận làm con nuôi được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình, đem lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, phụ nữ độc thân thực hiện quyền làm cha mẹ.

Ngày 14-12-2021, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Liên thông thủ tục hành chính: Đăng ký nuôi con nuôi trong nước và cấp Phiếu lý lịch tư pháp” của Sở Tư pháp Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho công dân rút ngắn thời gian lập hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, khó khăn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác nuôi con nuôi, Hà Nội cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường xây dựng các tài liệu tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức tư pháp; tăng cường chỉ đạo giải quyết việc nuôi con nuôi.

Cùng với đó, Sở Tư pháp cũng xác định công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về nuôi con nuôi là nhiệm vụ thường xuyên, tham mưu UBND TP bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để bảo đảm công tác tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi. Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác nuôi con nuôi thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm, uốn nắn và xử lý theo quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai phần mềm giải quyết nuôi con nuôi liên thông trong nước và nước ngoài; xây dựng phần mềm tư vấn trực tuyến về thủ tục giải quyết nuôi con nuôi trong nước để người dân có thể tiếp cận được các thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, các địa phương, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với phương châm “Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Đồng thời, đánh giá kỹ hơn khả năng thi hành trên thực tiễn để từ đó, hoàn thiện Luật Nuôi con nuôi nhằm tạo hành lang pháp lý cho trẻ em khi được nhận nuôi. Các Bộ, ngành Trung ương tích cực trao đổi thông tin về nuôi con nuôi; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.