Doanh nghiệp coi chuyển đổi số là cấp thiết

Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản lý cũng như tạo nên những giá trị mới trong quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí nhân sự cũng được tối ưu hóa giúp tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận
Doanh nghiệp coi chuyển đổi số là cấp thiết
Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản lý cũng như tạo nên những giá trị mới trong quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện; không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là vấn đề nhận thức, thói quen và quy trình.

Cả thế giới đang sống trong cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19, các DN phải nắm bắt cơ hội mới nếu không muốn bị tụt hậu với xu thế chung. Hiện, 69% DN khu vực Asia Pacific đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với Covid-19 nhằm sống sót, phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.

Tại Việt Nam, 47% DN coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết. Để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các Bộ, các tỉnh, năm 2020 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ, cấp tỉnh với những cấu trúc rất chi tiết. Đây sẽ là căn cứ để nghiên cứu Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các DN.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản lý cũng như tạo nên những giá trị mới trong quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí nhân sự cũng được tối ưu hóa giúp tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận.

Sau một năm thực hiện Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, đã có hàng triệu lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin từ chương trình. Trong đó, gần 200.000 lượt tiếp cận được với các tài liệu hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hơn 500 DN được đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; khoảng 100 DN đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1-1 để giải quyết những vấn đề cụ thể khi chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, trong năm tới, Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng như các Bộ, ban, ngành để cùng chung tay hỗ trợ DN thực hiện chương trình chuyển đổi số hiệu quả, thành công.

Giảm chi phí là kỳ vọng lớn nhất của các DN

TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của VCCI khi đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động của DN và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số để vượt qua khó khăn, dịch Covid-19 đã giúp các DN nhận thức và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng công nghệ số.

TS. Huân đánh giá, chỉ trong vòng 6 tháng, kết quả đạt được đã bằng gần một nửa số DN chuyển đổi số trong nhiều năm trở lại đây. Đến nay, những DN còn lại cũng đã bắt đầu quan tâm đến chuyển đổi số. Điều này càng chứng tỏ tác động của chuyển đổi số, mặc dù Covid-19 mang lại những tác động rất tiêu cực đến kết quả kinh doanh của DN, nhưng đó cũng là động lực, cơ hội để DN thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Về thực trạng của chuyển đổi số, TS Huân chỉ ra rằng, các DN đã ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, sản xuất và marketing. Các hoạt động như sử dụng thương mại điện tử, quản lý chứng từ, kho hàng... Tuy nhiên, việc ứng dụng trong sản xuất thì còn rất yếu, như ứng dụng thiết bị IoT, rô bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy...

Về kỳ vọng của DN trong ứng dụng công nghệ số, giảm chi phí là kỳ vọng lớn nhất của các DN. Các DN cũng mong muốn có thể giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm giấy tờ, phát triển kinh doanh hiệu quả, ít nhân viên hơn, xử lý sự cố nhanh hơn, nâng cao hiệu quả marketing,... Trong đó, các DN lớn kỳ vọng vào kết quả của chuyển đổi số bằng ứng dụng công nghệ số nhiều hơn.

Thực tế trên cho thấy, để chuyển đổi số trong DN còn có nhiều rào cản như: Thiếu cơ sở hạ tầng; Sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, DN; Chi phí ứng dụng công nghệ số cao; Khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh, Khó khăn trong việc tích hợp các công cụ CNTT; …

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, TS. Huân khuyến nghị các giải pháp như: Cho phép DN truy cập thông tin trên nền tảng các giải pháp kỹ thuật hiện có; tạo thêm cơ hội kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp giải pháo lỹ thuật số; hài hoà các quy tắc và quy định về công nghệ số trong khu vực ASEAN; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ DN.

Cùng với đó là minh bạch hoá các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp; hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ chuỗi cung ứng linh hoạt, minh bạch hơn; xây dựng các quy tắc, quy định để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.