Cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch 4.0 từ cơ sở

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đặt ra thách thức lớn đối với ngành du lịch Thủ đô khi vừa thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt, chủ động, an toàn, vừa tạo được tính đột phá, sáng tạo.
Du khách tham quan trải nghiệm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh tư liệu
Du khách tham quan trải nghiệm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh tư liệu

Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng nhiều “kịch bản” để tăng tính hấp dẫn tại các điểm đến. Có thể kể tới các hoạt động tour du lịch đêm tại các di tích văn hóa, lịch sử Hà Nội như “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” (Hoàng thành Thăng Long), “Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt” và “Sống như những đóa hoa” (Nhà tù Hỏa Lò). Sắp tới, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang xúc tiến xây dựng tour du lịch nhằm khai thác vẻ đẹp Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm, có áp dụng công nghệ 4.0 qua ứng dụng công nghệ 3D Mapping, để kể câu chuyện về đạo học Việt Nam.

Nhằm kích cầu du lịch trền nền tảng số, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học đã ứng dụng nền tảng công nghệ tương tác ảo 3D trong việc giới thiệu các chương trình, sự kiện của bảo tàng để đem tới tính tương tác, trải nghiệm khác biệt và mới lạ.

Nhiều đơn vị du lịch khai thác các tour du lịch ngoại thành Hà Nội, hành trình khép kín từ “vùng xanh” đến “điểm xanh”…

Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, ứng dụng công nghệ số 4.0 thì việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thích ứng trong tình hình mới là một bài toán nan giải. Trải qua gần 2 năm biến động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành du lịch “tê liệt”. Đội ngũ hướng dẫn viên hầu hết đều chuyển nghề, mất việc làm. Dù được tiếp sức từ gói hỗ trợ hướng dẫn viên theo Nghị quyết 68/NQ-CP nhưng con số bám trụ với nghề khá khiêm tốn.

Ngành du lịch không chỉ đối mặt với nhân lực giảm, bài toán phát triển đội ngũ hướng dẫn viên 4.0 cần phải được tính đến. Trong đó, các điểm đến du lịch cần xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, có cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút người lao động du lịch trở lại làm việc sau đại dịch.

Để biến nguy thành cơ trước thách thức mới, đòi hỏi phát triển nguồn nhân lực phải gắn với đào tạo tại các trường du lịch. Tập trung dạy ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục chưa có hướng dẫn đầy đủ về marketing số, chưa biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, chưa bỏ thói quen dùng phương thức truyền thống.

Thay đổi để vượt qua khó khăn, với tinh thần lạc quan tin tưởng rằng đây cũng chỉ là bước lùi để khởi động cho bước tiến dài và xa hơn, ngành du lịch sẽ vươn xa và nhanh chóng hội nhập với thế giới.

Trí Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.