Những điều người lao động cần nắm rõ về lương, thưởng tết 2022

Thấp thỏm, mong ngóng chờ thưởng Tết luôn là tâm lý của người lao động vào dịp cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, thưởng Tết giờ không chỉ là món quà, đó còn như "phao cứu sinh" cho nhiều người lao động thời điểm này.
Những điều người lao động cần nắm rõ về lương, thưởng tết 2022
Thưởng tết năm 2022 khó tăng

Năm 2022 là năm thứ hai Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực, chính vì thế, thưởng Tết năm 2022 sẽ có một số điểm mới mà người lao động cần nắm rõ:

Doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng tết hay lương tháng thứ 13.

Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:

1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Dựa theo điều luật này thì các doanh nghiệp hoàn toàn không có nghĩa vụ bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động. Thưởng tết hoàn toàn phụ thuộc và việc kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt một năm cũng như các chính sách phục lợi mà doanh nghiệp áp dụng để tạo mội trường làm việc lâu dài cho người lao động.

Tương tự thì lương tháng thứ 13 , pháp luật hiện hành cũng không quy định và doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải trả khoản tiền này. Vì vây, việc có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu, pháp luật hoàn toàn không can thiệp.

Như vậy, người lao động chỉ chắc chắn có lương tháng 13 và thưởng tết khi nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hoặc nếu quy chế nội bộ doanh nghiệp có quy định .

Bên cạnh đó, việc thưởng tết hoàn toàn có thể không phải bằng tiền mặt thưởng có thể bằng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác như chuyến tham quan du lịch, vé tàu, xe để về quê hoặc hàng hóa do chính công ty sản xuất ra.

Những quyền lợi khi đi làm dịp tết mà người lao động cần nắm:

Đi làm tăng ca dịp tết là việc không thể tránh vì doanh nghiệp không mong muốn đứt gãy dây truyền sản xuất trong dịp tết. Vì vây, người lao động hãy nắm chính xác cách tính lương đi làm ngày tết sau để đảm bảo quyền lợi cho mình: Quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012:

Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương 5 ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Đối với nhiều doanh nghiệp cần phần công người làm việc xuyên tết thì cách tính như sau:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Như vậy, theo quy định này, nếu bạn đi làm vào ngày lễ, tết thì công ty sẽ phải trả lương cho bạn ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết đó nghỉ có hưởng lương (tổng cộng nếu bạn đi làm ngày lễ, tết thì công ty sẽ phải trả 400% lương). Hãy nắm rõ điều này để đảm bảo tốt nhất quền lợi của mình.

Những khoản tiền mà người lao động có thể nhận trong dịp tết 2022:

Mặc dù năm nay là một năm đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung nhưng người lao động hoàn toàn có cơ hội được những khoản tiền thưởng và hỗ trợ để đón Tết Nhâm Dần 2022.

Thứ nhất là khoản thưởng Tết do doanh nghiệp tự chi trả.

Thứ hai là lương tháng 13 theo thỏa thuận với doanh nghiệp.

Thứ ba là 300 nghìn đồng tiền thăm hỏi và quà từ quỹ tài chính công đoàn.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định thì năm nay thưởng tết sẽ khó tăng thậm trí nhiều doanh nghiệp còn không có thưởng tết. Theo khảo sát thì hiện nay các doanh nghiệp đang nỗ lực đảm bảo tiền lương cho người lao động và duy trì sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi vào năm sau nên thưởng tết nhiều doanh nghiệp không dám nghĩ đến.

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.