Chuyển đổi số ngân hàng là một trong những định hướng ưu tiên của Chính phủ

Ngân hàng có vai trò quan trọng trong mọi nền kinh tế hiện đại. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự phổ cập thiết bị di động và những bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo (AI), đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, thách thức mới và cả cơ hội mới, từ phương thức hoạt động kinh doanh đến công tác quản trị của hệ thống ngân hàng.
Phát triển ngân hàng số, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chủ yếu của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay.
Phát triển ngân hàng số, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chủ yếu của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay.

Ngân hàng giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chỉ đạo về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hướng tới việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia; ban hành cơ chế, chính sách để các DN thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

So với các khái niệm ngân hàng trực tuyến (online banking, internet banking), ngân hàng ảo (virtual bank), ngân hàng điện tử (e-banking), ngân hàng trực tuyến (direct bank), thì ngân hàng số có phạm vi rộng hơn và toàn diện hơn, bởi đòi hỏi tích hợp số hóa đối với toàn bộ các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, ứng dụng số hóa trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính và trong cả các hoạt động tương tác với khách hàng.

Về lý thuyết, có 3 cấp độ chuyển đổi ngân hàng số: Cấp độ 1 là chuyển đổi một phần, số hóa quy trình, kênh phân phối hoặc sản phẩm dịch vụ; Cấp độ 2 là xây dựng mảng kinh doanh số riêng cho ngân hàng; Cấp độ 3 là số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng. Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia (IBM) phân loại Ngân hàng số thành 4 hình thái, bao gồm: Chi nhánh ngân hàng số; Kênh phân phối ngân hàng số; Cty con ngân hàng số; Ngân hàng số thuần túy.

Để thực hiện mục tiêu trên, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem là một trong những định hướng ưu tiên của Chính phủ. Phát triển ngân hàng số, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chủ yếu của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Bên cạnh đó, để tiếp tục phát triển mô hình ngân hàng số, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, những trở ngại chủ yếu trong lĩnh vực chuyển đổi số ngân hàng cần được quan tâm, giải quyết từ phía các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính có liên quan.

Cần chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng

Theo ông Nguyễn Thành Nam, GĐ Cty Luật Gattaca, thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý khi mà bối cảnh phát triển của công nghệ tài chính đã vượt quá khuôn khổ pháp lý hiện hành. Các định chế tài chính và các dịch vụ tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn hệ thống thì các quy định an toàn và pháp luật đối với các ngân hàng số ở Việt Nam còn chưa đầy đủ. Việc ban hành các quy định luật pháp đối với ngân hàng số nếu không được xem xét kịp thời và phù hợp, có thể tạo ra một sân chơi không công bằng giữa các ngân hàng.

Vì vậy, để đảm bảo độ tin cậy, minh bạch của chứng từ điện tử trong hoạt động của các ngân hàng số, việc quy định cụ thể về định danh và xác thực điện tử sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động quản lý, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Cùng với đó, cần hoàn thiện các quy định về thông điệp dữ liệu để phù hợp với thực tiễn như: địa điểm gửi và nhận, gán dấu thời gian đối với thông điệp dữ liệu, việc chuyển đổi chứng từ điện tử sang dạng giấy và ngược lại, bản gốc, bản sao, bản chính và giá trị pháp lý của chứng từ sau khi chuyển đổi...

TS. Nguyễn Thùy Linh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro. Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Ngoài ra, chú trọng công tác nhân sự, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành ngân hàng. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử…

Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển Ngân hàng số với 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ dân số sở hữu điện thoại thông minh cao (trên 72%), với 130 triệu thuê bao di động, 64 triệu người dùng internet (chiếm 67% dân số). Vì vậy, phát triển ngân hàng số, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chủ yếu của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.