Bảo đảm an toàn giao dịch bằng phần mềm quản lý công chứng

Hiện nay, nhu cầu của các tổ chức, cá nhân về công chứng ngày càng cao. Do đó, Sở Tư pháp Hà Nội luôn chú trọng, nâng cao chất lượng hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH và chiến lược cải cách tư pháp.
-	Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng nhu cầu cho người dân
Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng nhu cầu cho người dân. Ảnh: TL

Theo thông tin từ Phòng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp – Sở Tư pháp Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng với 445 công chứng viên hành nghề.

Trong năm 2021, 122 tổ chức hành nghề công chứng đã ký 457.167 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 3.575.737 bản sao; chứng thực chữ ký được 65.765 việc; thu hơn 253 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.

Cũng trong năm qua, Phòng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp đã tham mưu thực hiện cấp thẻ công chứng viên cho 62 trường hợp; cấp lại thẻ công chứng viên cho 30 trường hợp; thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho 106 lượt tổ chức; thực hiện đăng ký tập sự hành nghề đối với 105 trường hợp; thay đổi người hướng dẫn tập sự đối với 7 trường hợp;

Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên đối với 25 trường hợp (trong đó có 7 trường hợp bổ nhiệm lại), miễn nhiệm 3 trường hợp; tiếp nhận 61 hồ sơ đăng ký dự thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; xóa đăng ký hành nghề và thu hồi thẻ công chứng viên đối với 90 trường hợp;

Cùng với đó, tham mưu trả lời các văn bản, đơn thư của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng; thực hiện đăng tải 1.216 thông tin ngăn chặn và giải tỏa ngăn chặn theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị; giải quyết 105 đơn (kiến nghị, đề nghị) của công dân liên quan đến việc thông tin ngăn chặn;

Cập nhật, đăng tải danh sách tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên; danh sách người tập sự hành nghề công chứng trên cổng thông tin điện tử của Sở và hệ thống phần mềm quản lý công chứng của Bộ Tư pháp.

Xây dựng dự thảo tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng: đã tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND TP dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 05-10-2016 của UBND TP ban hành quy định về tiêu chí, phương pháp tính điểm và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Nội.

Phòng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp đã tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND TP ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 29-4-2021 để triển khai thực hiện Nghị quyết 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn TP;

Hiện đang xây dựng dự thảo Đề án thực hiện liên thông thủ tục công chứng, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện TTHC cho cá nhân, tổ chức, giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Được biết, từ năm 2011, trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp, UBND TP đã phê duyệ̣t, cấp kinh phí để xây dựng phần mềm quản lý thông tin ngăn chặ̣n và thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng. Đến nay, 100% tổ chức hành nghề công chứng đã tham gia, cậ̣p nhật thường xuyên hợp đồng, giao dịch đã ký công chứng. Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật thông tin tham khảo, ngăn chặn giao dịch đối với tài sản phải đăng ký sở hữu, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

Có thể coi phần mềm này là một trong những công cụ hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho các bên tham gia giao dịch, hạn chế rủi ro cho công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng trong quá trình hành nghề̀ và thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng cũng như bảo đảm các quyền hợp pháp của chủ sở hữu, sử dụng tài sản là đất, nhà và động sản khác.

Nhờ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chứng thời gian qua được tăng cường chặt chẽ nên các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức; đáp ứng chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng và đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.