Sửa quy định quản lý và bảo đảm hoạt động bay

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 32/2021/TT-BGTVT ngày 14-12-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2017/TT-BGTVT ngày 6-6-2017 quy định về quản lý và bảo đảm hoạt động bay.
Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật
Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật

Trong đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 7 trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không.

Theo đó, trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam thực hiện theo thẩm quyền về quy chế bay trong khu vực sân bay, phương thức bay hàng không dân dụng (HKDD), kế hoạch, tài liệu hướng dẫn, quy trình, phương thức liên quan đến bảo đảm hoạt động bay theo quy định; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống quản lý và bảo đảm hoạt động bay trình Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất áp dụng và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn của ICAO, WMO và công nghệ kỹ thuật liên quan đến quản lý và bảo đảm hoạt động bay phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; xây dựng phương án, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để phối hợp với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thiết lập, hủy bỏ đường hàng không, phê duyệt ranh giới phần FIR trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tổ chức phân định khu vực trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; quản lý việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; chỉ đạo, kiểm tra và giám sát công tác bay kiểm tra, hiệu chuẩn hệ thống, thiết bị dẫn đường, giám sát hàng không và bay đánh giá phương thức bay bằng thiết bị HKDD; quản lý và sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ hàng không theo quy định; công bố danh mục sân bay dự bị phục vụ bay HKDD.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn HKDD; tổ chức thực hiện diễn tập tìm kiếm, cứu nạn cấp ngành; phối hợp hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn HKDD với các quốc gia có liên quan trong khu vực; tổ chức thực hiện ứng phó không lưu HKDD; tổ chức quản lý công tác huấn luyện nhân viên bảo đảm hoạt động bay; tổ chức sát hạch; cấp, gia hạn, hủy bỏ, đình chỉ giấy phép nhân viên bảo đảm hoạt động bay; quản lý an toàn hoạt động bay và an toàn trong cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; tổ chức thực hiện chương trình an toàn đường cất hạ cánh; tổ chức điều tra các sự cố, tai nạn liên quan đến hoạt động bay, bảo đảm hoạt động bay…

Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát hoạt động bay kiểm tra, hiệu chuẩn hệ thống, thiết bị dẫn đường, giám sát hàng không và bay đánh giá phương thức bay bằng thiết bị HKDD tại cảng hàng không, sân bay.

Tham gia việc sát hạch để cấp, gia hạn giấy phép, năng định cho nhân viên bảo đảm hoạt động bay; tham gia kiểm tra để cấp giấy phép khai thác hệ thống, thiết bị bảo đảm hoạt động bay và giấy phép khai thác các cơ sở ANS; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 2-2-2022. Đối với năng định của Giấy phép nhân viên hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn HKDD được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục có giá trị đến hết ngày hiệu lực năng định của Giấy phép.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.