Tăng trưởng xanh trở thành xu thế tất yếu

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu Covid-19.
Tăng trưởng xanh trở thành xu thế tất yếu
Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giảm phát thải khí nhà kính; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với mục tiêu đã cam kết

Đề cao chất lượng và hiệu quả

Tại hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc "sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050."

Qua đó, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Đồng thời, Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ thực trạng tỷ lệ rừng suy giảm.

Trong bối cảnh đó, Tết trồng cây - một truyền thống đẹp lại được khởi động bằng sáng kiến trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, riêng năm 2021, chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Để tham vọng phủ xanh tại các địa phương sớm thành công, phong trào “Tết trồng cây” được các địa phương, doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây phân tán để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Bà Carolyn Turk - GĐ Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới là đi theo lộ trình tăng trưởng xanh. Về phía Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đi kèm với đó là nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, ngân sách để thực hiện. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Xúc tiến thực hiện những cam kết của mình

Việt Nam đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách giảm phát thải khí nhà kính; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay Quốc hội đã thông qua luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về trách nhiệm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng của Việt Nam để triển khai thực hiện huy động lực lượng của toàn xã hội vào cuộc trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ carbon thấp; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã xúc tiến những bước triển khai thực tế đầu tiên trong lộ trình thực hiện những cam kết của mình tại hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế tín chỉ carbon từ rừng đã có nhiều bước tiến quan trọng.

Ngay trong khuôn khổ của COP 26, Việt Nam đã ký kết ý định thư chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2 cho LEAF, Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng. Đây là lượng CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026 với tổng trị giá 51,5 triệu USD. Đến nay Việt Nam đã ký 4 tín chỉ carbon với các tổ chức quốc tế.

Mới đây nhất, Orsted - tập đoàn điện gió lớn hàng đầu Đan Mạch đã đề xuất nghiên cứu Dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng với trị giá lên tới 13,6 tỷ USD.

Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: Đan Mạch quan tâm hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức về đảm bảo năng lượng cho tăng trưởng kinh tế liên tục, với giá cả cạnh tranh, đồng thời đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII được Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát thêm trên cơ sở cập nhật những cam kết xanh của Thủ tướng tại COP26. Điều này đã mở ra cơ hội cho điện gió phát triển

Tỉnh Quảng Nam vừa được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Xuất khẩu tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.