Hà Nội: Xây dựng xã hội học tập phù hợp với chiến lược phát triển KTXH của từng địa phương

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND về thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Hà Nội: Xây dựng xã hội học tập phù hợp với chiến lược phát triển KTXH của từng địa phương
Xây dựng xã hội học tập phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương

Theo đó, về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, đến năm 2025, Thành phố sẽ duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì 99,5% trở lên người trong độ tuổi 15-60 biết chữ; 95% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; trên 90% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, thành phố phấn đấu: 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 50% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 12% dân số có trình độ đại học trở lên.

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục: Cơ sở giáo dục đại học trực thuộc triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 60% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.

Về xây dựng các mô hình học tập trong xã hội, thành phố đặt mục tiêu: 50% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% đơn vị được công nhận là đơn vị học tập; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; đăng ký danh hiệu “Thành phố học tập” theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Kế hoạch cũng nêu rõ chỉ tiêu đến năm 2030 về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; năng lực cơ bản và trình độ của người dân; hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục. Đáng chú ý, Thành phố phấn đấu đến năm 2030 có 70% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 70% đơn vị được công nhận là đơn vị học tập; 60% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Thành phố được công nhận danh hiệu “Thành phố học tập”.

Về nhiệm vụ, giải pháp, các cấp, các ngành thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa.

UBND thành phố giao các sở, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (cơ quan Thường trực đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”) triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực thuộc được tham gia nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.

UBND các quận, huyện, thị xã thành lập bộ phận chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 tại địa phương. Xây dựng kế hoạch xây dựng xã hội học tập phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2030. Xây dựng và phát triển các mô hình học tập, ngành nghề đào tạo, các nghề đặc thù cần học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp quy hoạch của từng địa phương đến năm 2030.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.