Áp lực tài chính khi dân số bước vào thời kỳ già hoá

Việt Nam đang ở giữa thời kỳ dân số vàng tuy nhiên giai đoạn này chỉ kéo dài hơn 30 năm. Với tỉ lệ 35% người trong độ tuổi lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, Việt Nam dự báo chịu nhiều áp lực xã hội khi dân cư già hóa.
Áp lực tài chính khi dân số bước vào thời kỳ già hoá
Việt Nam có gần 11,5 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,8% dân số (ảnh M.H)

Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, năm 2019, Việt Nam có gần 11,5 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,8% dân số. Dự báo vào năm 2050, số lượng người già trên 60 tuổi tại Việt Nam gần 30 triệu người, chiếm 27,2% tổng dân số. Nhưng trước đó 10 năm, bắt đầu từ năm 2040, Việt Nam bước vào thời kỳ không mong muốn: giai đoạn dân số già.

Các kết quả nghiên cứu xã hội học, cũng chỉ ra rằng thời kỳ dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2039. Thời kỳ dân số vàng (Golden population structure) được hiểu là giai đoạn phát triển vàng của mỗi quốc gia khi tỉ lệ người lao động gấp đôi số người phụ thuộc. Chính lực lượng lao động sung sức tạo ra của cải vật chất dồi dào, là bệ phóng quan trọng giúp nhiều quốc gia vươn lên thịnh vượng như sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, hiện 75% dân số trong độ tuổi lao động góp phần quan trọng đưa GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á nhưng có thể sự lạc quan này sẽ không kéo dài.

Tổ chức phi chính phủ HelpAge International đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với ước tính thời kỳ dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 30 năm, ngắn hơn nhiều quốc gia láng giềng như Singapore (40 năm) hay Thái Lan (35 năm).

Điều đáng quan tâm là vào năm 2020, thu nhập GDP đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.500 USD thấp hơn so với Thái Lan (7.200 USD) và tụt hậu rất xa so sánh với Hàn Quốc (31.700 USD), Nhật Bản (40.000 USD) hay Singapore (58.000 USD)….

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng chưa giàu đã già.

Còn tại Hội thảo "Dân số và phát triển" của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức vào cuối năm 2020, ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ cơ cấu và Chất lượng dân số cho biết: 70% người cao tuổi ở Việt Nam phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu, chỉ 25,5% sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội, dự báo sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian tới.

Các ước tính khác cho biết thời điểm năm 2021 chỉ khoảng 45% người lao động Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội. Mặt khác, sự phát triển các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thu hút làn sóng người nông thôn di cư tìm việc làm, để lại phía sau khu vực nông thôn gần 30% người cao tuổi sống một mình.

PGS-TS. Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế Quốc dân ước tính các chính sách hỗ trợ của chính phủ hiện nay mới chỉ bao phủ được khoảng 8% đối tượng người cao tuổi, rất nhiều người già sẽ phải phụ thuộc vào con cái và những người xung quanh.

"Nếu chúng ta không có tầng lớp dân số già có thu nhập tốt từ hưu trí, bảo hiểm hoặc có sức khỏe tốt cũng như tham gia các hoạt động xã hội một cách năng động thì đó là một gánh nặng cho xã hội", PGS-TS. Giang Thanh Long nói.

Còn theo kết quả nghiên cứu của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Việt Nam 62,3% người cao tuổi Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp và chỉ 86,3% trong số đó tiếp cận y tế. 67% người già có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Trung bình một người già mắc 3 chứng bệnh cần theo dõi, chăm sóc y tế. Dự báo năm 2049 số người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ tăng 2,5 lần so với mức 4 triệu hiện nay.

Như vậy, khi Việt Nam bước sang thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỉ lệ người già không có lương hưu/trợ cấp cũng tăng theo chắc chắn sẽ trở thành một gánh nặng về an sinh xã hội.

PGS-TS. Giang Thanh Long cho biết, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã trải qua quá trình "già hóa thành công" thể hiện ở ba trụ cột: sự chuẩn bị về kinh tế, sức khỏe và xã hội. Trong đó riêng sự chuẩn về kinh tế, theo ông Long người cao tuổi "già hóa thành công" là người chủ động chuẩn bị thu nhập ổn định từ nhiều nguồn: lao động, hưu trí, bảo hiểm…

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.