Hà Nội triển khai đồng bộ các chính sách quy định về người cao tuổi

Để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025" trên địa bàn đến năm 2025, trong đó, triển khai đồng bộ các chính sách quy định về người cao tuổi của nhà nước và chính phủ trên toàn thành phố.
Hà Nội triển khai đồng bộ các chính sách quy định về người cao tuổi
TS. Tạ Quang Huy-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội

Liên quan đến vấn đề già hóa dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội, PV đã trao đổi với TS. Tạ Quang Huy-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội.

Thưa ông Tạ Quang Huy, trong quá trình triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cơ sở, theo ông, còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như thế nào?

Trong quá trình triển khai chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội còn một số khó khăn như sau: Hiện tại còn một số ít cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thể hiện bằng việc chủ yếu tập trung vào những dịp như Ngày Người cao tuổi Việt Nam hay Quốc tế Người cao tuổi.

Kinh phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi ở tại cơ sở còn ít, còn khó khăn nhất là trong bối cảnh phòng chống Covid-19 hiện nay. Đặc biệt, hệ thống y tế cơ sở phải xây dựng lộ trình tự chủ. Trong khi đầu tư từ ngân sách thì có mức độ.

Cùng đó là số người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít (theo quy định đủ 80 tuổi trở lên).

Chúng ta đều biết, bên cạnh chăm sóc sức khoẻ thể chất thì việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người cao tuổi cũng rất quan trọng. Ông có thể chia sẻ những mô hình hay tại Hà Nội trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích?

Về chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng thì chúng ta phải quan tâm đến 3 thành tố của sức khỏe: Thứ nhất sức khỏe thể chất, thứ 2 sức khỏe tinh thần, thứ 3 là môi trường xã hội lành mạnh. Chính vì vậy, thời gian qua, Hà Nội lựa chọn mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, là hoạt động trọng tâm trong hoạt động chăm sóc người cao tuổi vui – sống khỏe – sống có ích. Do vậy, hàng năm Chi cục Dân số - KHHGĐ và các quận, huyện tập trung triển khai khoảng 100 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.

Thông qua các mô hình triển khai việc tuyên truyền vận động tư vấn phổ biến kiến thức cho người cao tuổi, khám sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là hỗ trợ việc thành lập, duy trì các CLB về Văn hóa, thể dục, thể thao, dưỡng sinh cho người cao tuổi. Trong năm 2020 qua sơ kết đánh giá ở các mô hình này có khoảng trên 700 CLB Văn hóa – văn nghệ, thể dục, thể thao, dưỡng sinh, thơ ca… của người cao tuổi ở cộng đồng được hỗ trợ hoạt động. Và với mục tiêu từ nay đến năm 2025 Hà Nội phấn đấu 100% xã phường thị trấn được triển khai mô hình này.

Vậy đâu là “điểm sáng” trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố, thưa ông?

Trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch số 93/KH-UBND của thành phố về chăm sóc người cao tuổi hiện nay, tôi cho rằng "điểm sáng" của việc này là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở. Điều này thể hiện ở 2 hoạt động mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Đây là mô hình thúc đẩy, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền cơ sở, sự tham gia của các ban ngành đoàn thể từ xã tới thôn trong vấn đề chăm sóc người cao tuổi nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng. Thứ 2 chính sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở, các thôn làng tổ dân phố thì mới đảm bảo tính bền vững của mô hình này. Thứ 3 thông qua hoạt động của các mô hình và tăng cường cung ứng thăm khám sức khỏe người cao tuổi tại xã, phường, thị trấn đã nâng cao được tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ hàng năm trên địa bàn thành phố. Đây cũng là hoạt động nhận được sự nhiệt tình tham gia hưởng ứng của hội Người cao tuổi cấp xã và chi hội Người cao tuổi ở các thôn, làng, tổ dân phố.

Được biết, một trong những nhiệm vụ then chốt trong Chương trình Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030 là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Là người đứng đầu ngành Dân số Thủ đô, ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành đoàn thể tại địa phương trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi thời gian qua?

Sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bản Hà Nội từ 2018 đến nay có sự chuyển biến rất rõ nét. Hàng năm 30 quận huyện, 579 xã, phường đều có kế hoạch để triển khai Kế hoạch số 93/KH-UBND của thành phố. Các hoạt động chăm sóc người cao tuổi nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng cho người cao tuổi được các ban ngành đoàn thể các cấp quan tâm phối hợp triển khai thực hiện như ngành Lao động -TB&XH, hội người cao tuổi các cấp. Hàng năm các cấp quận huyện, xã phường của thành phố đều có kinh phí hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động này. Nhiều quận huyện duy trì đều đặn hàng năm như: Quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Cấp xã phường tập trung quan tâm đến việc động viên chăm sóc người cao tuổi vào các dịp ngày Người cao tuổi Việt Nam, ngày Quốc tế Người cao tuổi hoặc các dịp lễ tết.

Và hệ thống trung tâm y tế các quận huyện hàng năm đều xây dựng kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi lập hồ sơ quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến cơ sở trong đó có người cao tuổi và tổ chức triển khai hoàn thành chỉ tiêu khám súc khỏe định kỳ hàng năm cho người cao tuổi. Đây là hoạt động quan trọng và đều hoàn thành tốt. Chính vì vậy, hiện nay người cao tuổi đi khám sức khỏe định kỳ đạt 84%.

Ông có kiến nghị gì về mặt chính sách cũng như mở rộng hoạt động của các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm đem lại hiệu quả hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên cả nước, góp phần thích ứng với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng?

Với tôi, để đảm bảo hiệu quả chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, thứ nhất mong muốn các cấp chính quyền nhất là cấp cơ sở tiếp tục triển khai có hiệu quả luật người cao tuổi, chương trình hành động về người cao tuổi của chính phủ. Thứ 2 đề nghị ngành y tế tăng cường đầu tư nguồn lực nâng cao hiệu quả của kinh tế cơ sở nhằm phục vụ tốt hơn chăm sóc cho người cao tuổi. Thứ 3, tôi mong muốn Chính phủ, HĐND cấp tỉnh quan tâm hạ tuổi người không có lương hưu được hưởng trợ cấp.

Mai Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.