Thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Bộ Công an đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Theo Bộ Công an, từ những năm 2000 cho đến khi Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và 2019 được thông qua, tình hình số lượng phạm nhân đến trại giam chấp hành án tăng. Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục và tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề, thực hiện và vận dụng những quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân đã có từ trước, đồng thời, vận dụng các quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, cải tạo phạm nhân, ngày 18/8/2011, Bộ Công an đã có Công văn số 2471/BCA-C81 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc được liên kết với các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp của địa phương đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cho phạm nhân trong nhà xưởng, gắn với lao động, dạy nghề để thuận lợi cho công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên.

Tính đến tháng 10/2019 có 24/54 trại giam phối hợp tổ chức 154 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam, số lượng phạm nhân lao động, học nghề dao động từ 6.000-7.000 phạm nhân. Các ngành nghề lao động chủ yếu ở các khu sản xuất và các điểm lao động ở ngoài trại giam là trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất gạch, gia công vàng mã, may gia công, đóng gói bánh kẹo, đan lát mây tre… và một số các ngành thủ công chế biến khác.

Hoạt động của mô hình khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam cho thấy hiệu quả về đầu tư, môi trường lao động, không làm tăng chi phí, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, giảm nguy cơ mất an ninh, an toàn trong trại giam, đồng thời cũng góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại phục vụ xây dựng cơ sở vật chất trại giam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Bộ Công an cũng cho biết, mô hình tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam chưa được quy định trong luật. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyếtcủa Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, từ đó tổng kết, đánh giá trên cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định vào Luật Thi hành án hình sự.

Việc xây dựng nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới. Đồng thời, đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Dự thảo quy định, phạm nhân đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện: a) Phạm nhân đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải có nơi cư trú rõ ràng; từ ngày đến trại giam có tư tưởng ổn định, yên tâm chấp hành án; b) Phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 5 năm; c) Phạm nhân mức án từ 15 năm trở xuống phạm tội lần đầu hoặc đã có 1 tiền án do phạm tội vô ý và phải bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, hạ loại giam giữ xuống B2; phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại “khá” hoặc “tốt” 6 tháng trở lên; phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại “khá” hoặc “tốt” 3 tháng trở lên. d) Đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc về ma túy.

Không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam thuộc một trong những trường hợp sau: a) Phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên; b) Tái phạm nguy hiểm; c) Phạm nhân có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù loại “trung bình” hoặc “kém”; d) Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi nơi giam hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; đ) Phạm nhân là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các vụ án, tổ chức tội phạm; phạm nhân trong các vụ án kinh tế lớn dư luận xã hội quan tâm; e) Phạm nhân phạm một trong các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hiếp dâm; hiếp dâm người dưới 16 tuổi, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; giết người; trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp; cướp tài sản hoặc cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp hoặc sử dụng vũ khí hoặc hành hung để tẩu thoát; các tội xâm phạm an ninh quốc gia; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân liên quan đến an ninh quốc gia.

Về quy trình lựa chọn phạm nhân, dự thảo nêu rõ: Cán bộ trinh sát trại giam lựa chọn, lập danh sách đề xuất trưởng phân trại duyệt, gửi đội trưởng đội trinh sát lấy ý kiến của đội giáo dục-hồ sơ, đội quản giáo, đội cảnh sát bảo vệ-cơ động, đội y tế, sau đó tổng hợp và thẩm định trước khi báo cáo, đề xuất ban giám thị trại giam duyệt.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn giam giữ tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện đúng như tại trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.