Có một người yêu Hà Nội đến thế!

Người ta thường nói nếu tình yêu mà “cực đoan” thì trước sau tình yêu ấy cũng bị bóp nghẹt đến tiêu tan. Thế nhưng, có tình yêu “cực đoan” lại làm cho trái tim chúng ta không thôi khắc khoải, đợi chờ, cứ mãi yêu, mãi nhớ.
Nhạc sĩ Phú Quang gửi tình yêu Hà Nội vào các ca khúc
Nhạc sĩ Phú Quang gửi tình yêu Hà Nội vào các ca khúc

Người yêu Hà Nội cực đoan như thế có lẽ chỉ có nhạc sĩ Phú Quang. Tình yêu của ông “cực đoan” đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút cuồng say, ông đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác. Bất kể điều gì thuộc về Hà Nội đều được ông đưa vào âm nhạc. Đó là phố cổ, hoa sữa, là cây bàng, góc phố, hay gió mùa Đông Bắc, heo may…

Tất cả những thứ ấy được ông khắc họa sống động và cảm xúc. Từ đó vẽ nên một Hà Nội lãng mạn, dịu dàng, có lúc lại trầm mặc, thoáng nét buồn.

Nhạc sĩ Phú Quang từng kể, ông thích cảm giác đón những cơn gió heo may bất chợt ùa về, chạm khẽ vào vai áo, vào cả những rung động sâu thẳm nhất trong mỗi người mặc dù nó dễ khiến người ta cảm thấy cô đơn và hoài niệm về những điều đã mất.

Có lẽ, Hà Nội chính là chứng nhân cho những xúc cảm nơi con tim, mà chỉ cần nhìn ngắm từng góc nhỏ là những thước phim quá khứ lại ùa về, để rồi hơn 600 ca khúc, phần lớn về Hà Nội đều được Phú Quang viết từ những kỷ niệm sâu thẳm nhất.

Nhạc sĩ Phú Quang từng nói dù có xa Hà Nội thì ông vẫn luôn mang theo Hà Nội trong lòng. Nỗi nhớ Hà Nội của ông lúc nào cũng quay quắt, khắc khoải. Ông nâng niu, yêu thương và trân trọng Hà Nội theo cách riêng của mình.

Ông nhớ lắm cái thời nghèo khó mà đẹp của Hà Nội khi xưa, một Hà Nội mái ngói lô xô, không có nhà cao tầng mọc lên san sát, chỉ có những cô gái thong dong đạp xe ngoài đường… Hà Nội của ông không có xe cộ tấp nập, kẻ bán người mua mà tĩnh lặng, lãng đãng, mơ hồ.

Có lẽ vì vậy mà càng có tuổi, ông lại càng nhớ về những hồi ức vừa đẹp đẽ, vừa dữ dội mà mình từng trải qua tại Hà Nội. Ngoài 20 năm xa Hà Nội (từ năm 37 đến ngoài 50 tuổi) thì những năm tháng thanh xuân và khi ở tuổi xế chiều, ông đều gắn bó với Hà Nội. Sau bao năm đi xa, ông lại quyết định trở về với tình yêu của mình, để tìm lại cảm giác bình yên, thanh thản.

Nhạc sĩ Phú Quang yêu Hà Nội “cực đoan” bao nhiêu thì ông làm nhạc cũng “cực đoan” bấy nhiêu. Có hai cái sai mà ông tuyệt đối không bỏ qua cho các ca sĩ, dù có là Diva đi nữa. Đó là sai lời và sai tinh thần ca khúc của ông.

Sự cầu toàn ấy thực chất là giúp các ca sĩ tự nghiêm khắc với chính mình cũng như tôn trọng điều tác giả gửi gắm. Trong âm nhạc, khán giả không cần thợ hát và cần một người biết truyền tải cảm xúc qua giọng hát.

Nhạc sĩ Phú Quang đã ra đi nhưng chưa khi nào ông rời xa Hà Nội. Bởi tình yêu của ông với mảnh đất thiêng liêng này vẫn còn vang vọng mãi trong các ca khúc bất hủ được ông sáng tác bằng thứ tình yêu “cực đoan” nhưng rất đỗi thân thương, trìu mến.

Tạm biệt nhạc sĩ Phú Quang - người con ưu tú, một phần yêu dấu của Hà Nội.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.