Mở lại chuyến bay thương mại cần sớm có mẫu hộ chiếu vắc-xin

Việc nối lại các chuyến với các nước chỉ có thể thực hiện thực hiện với các nước theo nguyên tắc “có đi có lại” trên cơ sở thúc đẩy đàm phán thống nhất với các đối tác về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc-xin”.
Nhu cầu của người Việt Nam về nước vẫn đang ở mức cao do Tết Nguyên đán tới gần, cũng như nhiều trường hợp người lao động, người đi công tác, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã hết hạn thị thực và mong muốn được về nước
Nhu cầu của người Việt Nam về nước vẫn đang ở mức cao do Tết Nguyên đán tới gần, cũng như nhiều trường hợp người lao động, người đi công tác, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã hết hạn thị thực và mong muốn được về nước

Nhu cầu về nước dịp tết tăng cao

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam từ 15-12-2021.

Trong văn bản của Bộ GTVT nêu rõ, tời gian qua, Việt Nam không ban hành các quy định dừng hoặc hạn chế các chuyến bay quốc tế thường lệ đến và đi từ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay phải đáp ứng các quy định về kiểm soát y tế đối với người nhập cảnh theo quy định. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch là rất lớn.

Do vậy, việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đồng thời thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế nói riêng và kinh tế nói chung.

Bộ GTVT đề xuất 2 giai đoạn thí điểm. Theo đó, trong giai đoạn 1 (hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15-12-2021), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ). Trong giai đoạn 2 (thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1-2022). Ngoài 9 thị trường trên, Bộ GTVT mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Công, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Úc), Moscow (Nga).

Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).

Để đảm bảo tính khả thi nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, theo Bộ GTVT cần sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.

Sớm ban hành mẫu hộ chiếu vắc-xin theo tiêu chuẩn quốc tế

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, các cơ quan chức năng Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các giải pháp phần mềm để sớm ban hành mẫu hộ chiếu vắc-xin theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tính đến đầu tháng 12-2021 đã có một số nước như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Belarus công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng do Việt Nam cấp với một số tiêu chuẩn cụ thể về loại vắc-xin được tiêm. Ấn Độ, Canada cũng nhất trí về mặt nguyên tắc. Các nước ASEAN, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc đã xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam và chờ Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu hộ chiếu vắc-xin thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.

Tính đến ngày 8-12, Việt Nam đã tạm thời công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vắc-xin của 78 nước/vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao, tăng thêm 6 đối tác so với danh sách được Bộ Ngoại giao thông tin ngày 21-10.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, những người mang hộ chiếu vắc-xin do các đối tác trên cấp có thể sử dụng trực tiếp tại Việt Nam, được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về kế hoạch của Bộ GTVT, bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ với Bộ GTVT tầm quan trọng của việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế như thường lệ. Nếu được triển khai, kế hoạch này sẽ góp phần vào việc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho người dân, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết người được nhập cảnh hiện nay gồm: công dân Việt Nam, người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao - công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân của họ, du học sinh nước ngoài, khách du lịch theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế, người đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh.

Vừa qua, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không, tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Theo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, nhu cầu của người Việt Nam về nước vẫn đang ở mức cao do Tết Nguyên đán tới gần, cũng như nhiều trường hợp người lao động, người đi công tác, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã hết hạn thị thực và mong muốn được về nước.

Bộ Ngoại giao cũng đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, phù hợp với nguyện vọng của công dân, tình hình diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly ở trong nước.

Để đảm bảo tính khả thi nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, theo Bộ GTVT cần sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay. Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến với các nước chỉ có thể thực hiện thực hiện với các nước theo nguyên tắc “có đi có lại” trên cơ sở thúc đẩy đàm phán thống nhất với các đối tác về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc-xin”. Ngoài ra, cần có phần mềm khai báo y tế thống nhất để phục vụ công tác kiểm soát, truy vết người nhập cảnh…

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.