Niềm hạnh phúc của con!

Đôi khi, trong cuộc sống, chúng ta lỡ mất một hạnh phúc nào đó nhưng luôn được bù đắp bằng niềm hạnh phúc khác, có thể vĩ đại hơn...
Niềm hạnh phúc của con!
Ảnh minh họa

Bố mẹ Hân chia tay từ khi cô mới bước vào cấp 2. Khoảng thời gian đó đối với Hân thực sự kinh khủng bởi gia đình cô vẫn được nhiều người ngưỡng mộ vì bố mẹ cô đều thành đạt, có địa vị trong xã hội và còn rất yêu thương, chiều chuộng nhau. Nhưng thực ra, Hân biết những gì họ thể hiện với nhau chỉ là để che mắt người ngoài. Sau lưng mọi người, bố mẹ ít khi nói chuyện với nhau. Nếu có thì họ chỉ trao đổi về việc liên quan đến Hân.

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua. Đến khi Hân vô tình đọc được nhật ký của mẹ thì Hân nhận ra rằng bố mẹ sống với nhau chỉ là để cho Hân có một gia đình trọn vẹn, còn mẹ không có tình cảm với bố. Người mà mẹ thực lòng yêu đã ra đi trong một vụ tai nạn. Mẹ đau khổ, kiệt quệ về tinh thần. May thay có bố - người bạn thân của mẹ luôn bên cạnh động viện, chia sẻ suốt 3 năm trời và cuối cùng họ đến với nhau và có Hân.

Rồi bố mẹ Hân quyết định chia tay. Tuy còn nhỏ nhưng Hân rất tinh tế. Cô nhận ra nỗi buồn của hai người nhưng tôn trọng điều đó. Cô cũng không muốn vì mình mà bố mẹ phải chịu đựng, sống với nhau nhưng không hạnh phúc. Một người cứ cố đi tìm tình yêu, còn một người thì lặng lẽ không đón nhận.

Hân chọn sống với bố. Mẹ chuyển công tác vào Nam, tỉnh thoảng một năm ra thăm cô một, hai lần. Còn bố chuyển công tác lên vùng núi, cũng là để cố gắng quên đi cuộc hôn nhân của mình, vừa để tìm cảm xúc sáng tạo những sáng tác văn chương của ông. Gần gũi thiên nhiên, sống cùng với những tình cảm chan hòa của bà con miền núi cũng đã giúp ông có được nhiều sáng tác hay, còn được dựng thành phim. Còn Hân, cô cũng dần quên đi những muộn phiền để bắt nhịp với cuộc sống bình dị tại đây. Dù sống cảnh “gà trống nuôi con” nhưng bố Hân vẫn chăm lo cho con gái đầy đủ. Ông không chỉ là bố mà còn là người bạn thân thiết mà cô có thể tâm sự mọi điều.

Thương bố, Hân tự lập từ nhỏ. Nấu ăn, thể thao, hội họa, văn chương, ca hát,… Hân đều giỏi cả nhưng cô thích nhất là sáng tác văn chương. Cô luôn vạch ra những kế hoạch, mục tiêu học tập rõ ràng và cố gắng để đạt được điều đó. Những lần đi họp phụ huynh, cô giáo hết lời khen ngợi con gái khiến bố Hân rất tự hào. Cuối năm học nào, hai bố con cũng tổ chức bữa tiệc liên hoan. Bố bảo: Cảm ơn con đã bên bố, con chính là niềm hạnh phúc của bố. Hân ôm chầm lấy bố, nghẹn ngào: Bố chính là niềm hạnh phúc của con.

Thi ĐH, Hân cũng lựa chọn lĩnh vực văn chương để theo duổi. Cô mong ước sau này cũng trở thành một nhà văn giống như bố, viết nên những áng văn ngập tràn những cảm xúc dung dị, đầy yêu thương về tình người, về cuộc đời.

Cuốn sách đầu tay của cô chính là “Niềm hạnh phúc của con”. Đôi khi, trong cuộc sống, chúng ta lỡ mất một hạnh phúc nào đó nhưng luôn được bù đắp bằng niềm hạnh phúc khác, có thể vĩ đại hơn, giống như bố, như Hân. Hạnh phúc không ở đâu xa, ngay bên cạnh chúng ta. Với Hân, hạnh phúc vĩ đại chính là bố.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.