Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn

Theo một số chuyên gia, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ ở mức cao trong tháng cuối năm 2021 nhờ việc mở cửa cho hoạt động sản, xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng thích ứng với Covid-19. Do vậy, các ngân hàng nâng lãi suất để huy động vốn.
Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn
Khi được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn, khiến mặt bằng lãi suất huy động chịu sức ép tăng.

Lãi suất tiền gửi đang có tín hiệu nhích tăng

Khảo sát trong tuần đầu tháng 12-2021 cho thấy lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng thương mại đang dao động trong khoảng 5,5 - 7,6%/năm.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn là ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 7,6%/năm cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Tiếp đến là ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, với mức lãi suất huy động 7,1%/năm. Điều kiện để áp dụng mức này tại ngân hàng TMCP Á Châu là khách hàng phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng; còn tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam là từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM cũng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất lần lượt là 6,99 và 6,85%/năm. Điều kiện là khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Còn tại Ngân hàng TMCP Đông Á, lãi suất cao nhất đang niêm yết là 6,8%/năm dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7,0%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Đối với 4 ngân hàng lớn, lãi suất cao nhất trong tháng này là 5,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam; trong khi đó tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là 5,5%/năm.

Từ những con số trên cho thấy, lãi suất tiền gửi đang có tín hiệu nhích tăng và theo giới chuyên gia, điều này là hoàn toàn phù hợp. Vì nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế. Và việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài.

Theo một số chuyên gia, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ ở mức cao trong tháng cuối năm 2021 nhờ việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng thích ứng với Covid-19, giúp tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 13% cho cả năm. Nhờ được tăng thêm “room” tín dụng, nên các ngân hàng cũng đã mạnh tay hơn với các chương trình ưu đãi vay vốn, thậm chí là vay vốn không cần tài sản đảm bảo

Nhu cầu tín dụng dự báo tăng cao

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25-11-2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Trong khi chưa đầy 1 tháng trước, vào cuối tháng 10, con số này mới chỉ đạt 8,72% và cuối tháng 9 là 7,17%, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng đã được cung cấp ra thị trường trong 2 tháng.

Hơn nữa, mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, với mức tăng từ 1-6 điểm % tùy từng ngân hàng. Đây được xem là cơ sở để các ngân hàng thêm nguồn cung tiền ra thị trường.

Cty Chứng khoán VnDirect nhận định, trong giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế, cần cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức bình quân các năm trước, linh hoạt cho một số tổ chức tín dụng quản trị rủi ro tốt được cấp hạn mức cao. Nhưng điều này có thể dẫn đến sự phân hóa lợi nhuận mạnh trong ngành ngân hàng.

Không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, việc nới room tín dụng sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng, bởi lãi suất phụ thuộc nhiều vào cung cầu tín dụng. Khi được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn, khiến mặt bằng lãi suất huy động chịu sức ép tăng, càng khiến lãi vay khó giảm.

Số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy kênh tiền gửi ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn khi tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng gần như đi ngang kể từ tháng 2-2021. Điển hình như tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong tháng 9-2021 đạt hơn 5,291 triệu tỷ đồng, giảm 1.473 tỷ đồng so với tháng 8, và giảm tới 2.459 tỷ đồng so với tháng 7.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho biết, với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, cộng thêm nguy cơ rủi ro về lạm phát đã khiến dòng tiền của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng hay tiền ảo...

Cty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021 nhưng việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt mức 13%. Hơn nữa, BSC dự báo trong năm 2022 nhu cầu tín dụng cũng sẽ tiếp tục ở mức cao 13% và được hỗ trợ bởi các yếu tố như nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.