Gọi tên các doanh nghiệp bán “chui” trái phiếu

Trong mấy ngày đầu tháng 12, liên tiếp các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, UB Chứng khoán Nhà nước ra các công văn đề nghị tăng cường quản lý, thanh tra phát hành trái phiếu DN.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, Cty chứng khoán phân phối trái phiếu DN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, Cty chứng khoán phân phối trái phiếu DN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công điện số 8857 yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu DN. Thời gian vừa qua, các DN đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu DN theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN bất động sản, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-12-2021.

Cũng trong thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số DN vì chào bán trái phiếu sai quy định. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 Cty chứng khoán và 2 DN phát hành, bước đầu đã ghi nhận và triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 DN phát hành, 1 Cty chứng khoán.

Theo đó, Cty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup đã có hành vi chào bán trái phiếu DN thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho đối tượng nhà đầu tư không xác định mà không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tiếp tục thực hiện thủ tục để xử phạt Cty Tập đoàn Cổ phần Tập đoàn Apec Group đối với hành vi tương tự.

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các DN phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.

Cùng với đó, Bộ Tài chính vừa tiếp tục phát đi thông cáo về tình hình thị trường trái phiếu DN riêng lẻ 11 tháng đầu năm 2021 và các rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, qua công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính nhận thấy thị trường trái phiếu DN vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, cần giám sát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh.

Theo đó, đối với tài sản đảm bảo của trái phiếu, trong số các trái phiếu DN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, trái phiếu DN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1% (trong đó trái phiếu do các tổ chức tín dụng và Cty chứng khoán phát hành chiếm 76%). Trong số 300 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, 207 DN phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là BĐS, chứng khoán, chương trình, dự án. Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN.

Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường BĐS hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của DN, do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này. Trên thị trường vẫn có trường hợp DN phát hành trái phiếu DN với khối lượng lớn, trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Đặc biệt đối với nhóm BĐS, trong số hơn 100 DN BĐS phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 DN ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Khi được giới thiệu mua trái phiếu DN riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về: tình hình tài chính của DN phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của DN; mục đích phát hành trái phiếu; tài sản đảm bảo của trái phiếu; đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của DN phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.

Do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Bên cạnh đó, theo khuyến nghị, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, Cty chứng khoán phân phối trái phiếu DN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành, do đó không có trảch nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.

Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định về phát hành trái phiếu DN đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu DN phát hành riêng lẻ. Trước khi mua trái phiếu DN riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.