Phục hồi phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cần có những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn

“Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” đã đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, từ đó xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Phục hồi phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cần có những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn
“Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”

Phục hồi và phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid -19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội.

Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020-2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tại Diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới.

Đồng thời, chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, tại Diễn đàn, các đại biểu, các chuyên gia sẽ trao đổi và giải đáp các câu hỏi về huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, sự hấp thụ năng lực của nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế còn một số điểm nghẽn, vướng mắc…

Theo các đại biểu, khủng hoảng kinh tế xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế tài chính nên để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã; hỗ trợ cho khu vực DN.

Nhiều đề xuất các chính sách tài khóa tiền tệ

Đại diện cho nhóm chuyên gia nghiên cứu thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, sự phục hồi kinh tế đang ở dạng hình chữ U, thay vì chữ V như nhiều nước trên thế giới. Theo dự báo, năm 2022, nền kinh tế nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nếu không có những chương trình đặc biệt, nước ta có thể sẽ bị lỡ cơ hội và tụt hậu.

TS. Cấn Văn Lực chính cho rằng, sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới cần tính toán đến tác động cả tổng cung và tổng cầu. Việc xây dựng chính sách phải khả thi và thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, đồng thời phải phối hợp tốt giữa các chính sách với nhau.

Đối với chính sách tiền tệ, cần sử dụng một loạt công cụ khác để hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất vốn vay từ 0,5 đến 1%. Nếu đề xuất cho vay lĩnh vực nhà ở theo đề xuất của Bộ Xây dựng là 65.000 tỷ đồng, Chính phủ sẽ cần chi khoảng 6.100 tỷ đồng cho phần lãi suất đó.

Việc hỗ trợ người dân và DN cần tiếp cận ở 2 cách là nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn; cần có chính sách bảo lãnh vay vốn cho DN vừa và nhỏ thông qua các quỹ ở các địa phương.

Về gói hỗ trợ lãi suất, mức dự kiến của Bộ Tài chính đề xuất khoảng 20.000 – 30.000 tỷ là khả thi và có thể hấp thụ được trong 2 năm tới. TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ: Riêng về cơ sở hạ tầng, chúng tôi đề xuất tăng đầu tư bổ sung khoảng 150.000 tỷ cho những dự án, những công trình trọng điểm. Theo đó, tất cả các gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta sẽ ở mức 278.000 tỷ, tương đương 3,41% GDP của năm 2021, theo tính toán của chúng tôi là tăng trưởng 2%.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam. cho rằng, quy mô các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có thể không áp dụng được ở các quốc gia đang phát triển bao gồm Việt Nam. Các hỗ trợ chính sách cần được tinh chỉnh dựa trên tình hình phát triển kinh tế cũng như diễn tiến dịch bệnh ở từng nước.

Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần đi kèm với các hỗ trợ về mặt chính sách cần thiết, kịp thời cho các hộ gia đình và DN bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta hướng tới việc mở cửa trở lại. Đặc biệt ở Việt Nam, khi tiến trình hồi phục đang được triển khai hiệu quả, cần tập trung vào tăng trưởng bền vững, tạo sức chống chịu cao

Ông Francois Painchaud khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; áp dụng biện pháp chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đòi hỏi phải có những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, sự phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.