Xây dựng văn hóa giao thông gắn với phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh mới

Tai nạn giao thông đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh (Ảnh: Khánh Huy)
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Khánh Huy

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức “Hội nghị An toàn giao thông Việt nam năm 2021” nhằm tìm ra được những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội ở Việt Nam; công bố, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực an toàn giao thông; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý tham gia nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể, đồng thời gia tăng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ATGT, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

TNGT giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tai nạn giao thông đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn suốt đời. Cùng với đó, hàng năm, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương khoảng trên 1.500 tỷ đô la do TNGT.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục. Tai nạn giao thông năm 2020 đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người.

"11 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 10.137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.111 người, bị thương 7.059 người. So với 11 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 24,72%, số người chết giảm 1.104 người (-17,76%), số người bị thương giảm 29,47%. Trong kết quả chung này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban ATGT Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về an toàn giao thông đến từ các trường Đại học, các học viện, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước" - Thứ trưởng cho biết.

Mặc dù khẳng định và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm TTATGT, nhưng Thứ trưởng đánh giá tình hình trật tự, ATGT ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang gia tăng, cùng với đó là quá tình tăng trưởng mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện giao thông sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và tạo nên sức ép lớn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông thích ứng an toàn, linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh

Ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, chủ đề Năm ATGT 2022 là “Xây dựng văn hóa giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19”, chủ đề này gắn trực tiếp với tinh thần chung của toàn Đảng, toàn dân sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11-2021).

“Rõ ràng việc xây dựng văn hóa giao thông, chúng ta phải thực hiện với tinh thần mới, tâm thế mới, nhiền nhận văn hóa là thể hiện bằng các hành vi cụ thể của người tham gia giao thông, nhưng đồng thời cũng là văn hóa hành nghề, văn hóa chuyên nghiệp của người làm công tác xây dựng, thiết kế, quy hoạch, đến việc thực thi pháp luật về bảo trì, quản lý vận tải, về tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm” - ông Khuất Việt Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: "Chúng ta cũng đang phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hoá giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện. Trong đó, nhiệm vụ tìm ra được những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội ở Việt Nam là vấn đề cốt lõi và rất cần sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các chuyên gia".

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.