Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên

Bộ GTVT đã có Công điện yêu cầu Tổng cục Đường bộ; Cục Đường sắt, Đường thủy nội địa; các Cục Quản lý đường bộ II, III; Sở GTVT các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai và Đắk Lắk chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên
Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên

Theo Bộ GTVT, những ngày qua, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực miền Trung, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực phục vụ khắc phục hậu quả do mưa, lũ trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu yếu, khu vực đường xung yếu, kịp thời sửa chữa, khắc phục bảo đảm giao thông thông suốt.

Đối với các đoạn tuyến quốc lộ, đường cao tốc bị hư hỏng, ngập nước nhưng vẫn bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông, phải tổ chức phân luồng giao thông. Trong đó, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện.

Các quốc lộ, đường cao tốc bị hư hỏng nặng, không bảo đảm lưu thông cho người và phương tiện, phải xây dựng phương án phân luồng giao thông từ xa, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với các Sở GTVT, Bộ GTVT yêu cầu tổ chức phân luồng giao thông các đoạn tuyến đường bị hư hỏng, ngập nước, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện. Các đoạn tuyến không bảo đảm lưu thông xây dựng phương án phân luồng giao thông từ xa, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Các Sở GTVT chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc, kịp thời khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra; phân luồng, bảo đảm giao thông trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, đặc biệt là hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông tại các khu vực bị đứt đường, đoạn đường bị sạt lở, ngập sâu. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền di dời dân cư khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt. Xử lý ngay đối với các đoạn tuyến đường sắt bị hư hỏng do mưa, lũ để khôi phục nhanh nhất hoạt động chạy tàu.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đôn đốc các đơn vị quản lý đường thủy nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.