Tín dụng đen vẫn “có đất sống”, không ngừng “bẫy” người dân

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn sự phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay tiền cho sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Đặc biệt, tín dụng đen còn đang bùng phát qua các ứng dụng (app) cho vay tiền online, cho vay qua website rất khó kiểm soát.
Nhiều chuyên gia nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn sự phức tạp
Nhiều chuyên gia nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn sự phức tạp

Bủa vây người có nhu cầu bằng nhiều thủ đoạn

Tại hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng đen khu vực nông thôn”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Bộ CA và TAND TP Hà Nội tổ chức, các diễn giả cho rằng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn sự phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay tiền cho sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Tất - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội VKSND Tối cao, đối tượng cho vay “nóng” thường núp bóng các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê tài sản, Cty tài chính.

Hợp đồng vay chỉ là một giấy biên nhận, không ghi mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận bằng miệng. Đến thời hạn, người vay không trả được lãi thì tiền lãi được nhập vào gốc khoản vay mới bằng giấy biên nhận vay tiền mới, dẫn đến người vay không có khả năng trả nợ.

Đặc biệt, tín dụng đen còn đang bùng phát qua các ứng dụng (app) cho vay tiền online, cho vay qua website rất khó kiểm soát. Người dân nếu lỡ tìm đến các website/ứng dụng cho vay núp bóng tín dụng đen, “dịch vụ bốc họ”, mức lãi suất có thể cao tới 20% - 50%/tháng. Những app này không chỉ tính lãi suất cắt cổ, người vay còn phải chịu khoản tính phí vô lý theo cách tính bậc thang như phí vay ban đầu, phí nhắc nợ, phí tính lãi suất...

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục CSHS (Bộ CA) cho biết, tuần trước, Cục CSHS đã triệt phá một nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng, hoạt động ở TP HCM cho vay nặng lãi. Trong số các bị hại, có người vay của nhóm này trên 16,2 tỉ đồng và đã trả trên 20 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn còn nợ khoảng 11 tỉ đồng.

Tính ra, lãi suất cho vay cao nhất lên tới 1.700%/năm. Để đối phó với cơ quan chức năng, đối tượng hoạt động tín dụng đen lập DN núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook…

Gửi tới hội thảo tham luận, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó GĐ CA TP Hà Nội nhận định có nhiều dạng cho vay tín dụng đen như bốc họ, rải họ; cho vay ngang hàng, cho vay đáo hạn, cho vay qua app. Mới đây nhất còn xuất hiện tình trạng người vay tiền muốn vay được phải thế chấp bằng hình ảnh và video clip khỏa thân, nhạy cảm...

Các hình thức cho vay này đều vượt quá trần lãi suất quy định của ngân hàng. Đặc biệt là hình thức “lãi mẹ đẻ lãi con”. Lãi suất thường chỉ 2.000 đồng/triệu đồng/ngày nhưng các đối tượng biết con nợ đa số cần tiền cấp bách nên thường lấy lãi là 5.000 đồng/triệu/ ngày (182,5%/năm), nhiều trường hợp là 7.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày (tức từ 250% đến hơn 300%/năm).

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Một trong những giải pháp hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen thời gian qua được ngành ngân hàng triển khai là đẩy mạnh vốn tín dụng từ các kênh chính thức. Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết số liệu đến giữa tháng 11-2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỉ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm ngoái.

Trong đó, 78 tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (tương đương khoảng gần 2 triệu tỉ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú lưu ý: “Thời gian gần đây, tình trạng tín dụng đen có chiều hướng diễn biến khó lường với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng ứng dụng công nghệ, dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến qua điện thoại với lãi suất cực cao”.

Vì thế, theo ông Đào Minh Tú, để đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ CA, đây là cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tất cho rằng, cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó gây ra. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp bóng Cty, cửa hàng hỗ trợ tài chính.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà kiến nghị, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với NHNN và các Bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến tín dụng đen.

Theo Cục trưởng Cục CSHS, trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng CA đã tiếp nhận, phát hiện 1.047 vụ/1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.