Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa cả về mặt tài chính lẫn tranh chấp pháp lý. Do đó, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho DN là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lương, hiệu quả…
-	Hỗ trợ pháp lý cho DN góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật
Hỗ trợ pháp lý cho DN góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật

Tại Diễn đàn trực tuyến về Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021-2030” vừa được Bộ Tư pháp tổ chức, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 cho biết, kế hoạch xây dựng Đề án này đặt ra 5 yêu cầu, trong đó điểm đáng chú ý là việc ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, việc triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 phải có những giải pháp đột phá để kịp thời phục vụ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của đối tượng đặc thù này.

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ DN giải quyết những khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 để phục hồi nền kinh tế.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN (trong đó tập trung DN nhỏ và vừa) trong thời gian qua còn những khó khăn, bất cập.

Đó là sự quan tâm của của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN vẫn còn những hạn chế. Đến đầu năm 2021, nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND tỉnh, thành vẫn chưa ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trong từng giai đoạn hoặc hàng năm theo yêu cầu của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Do đó, chưa có cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trong ngành, lĩnh vực và địa phương. Việc phối kết hợp giữa Bộ, ngành và giữa Bộ, ngành với địa phương, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức đại diện cho DN còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhân lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN của Bộ, ngành và địa phương còn kiêm nhiệm, không bố trí nhân sự cụ thể, xác định nhiệm vụ rõ ràng. Kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, nhiều địa phương không bố trí kinh phí riêng cho việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trong khi kinh phí dành cho Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành còn hạn chế, công tác truyền thông chưa được đầu tư thỏa đáng…

Luật sư Lê Anh Văn, GĐ Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các DN đang rất cần hỗ trợ pháp lý như hỗ trợ về giải quyết kiến nghị vướng mắc pháp lý, nâng cao năng lực pháp luật cho các bộ pháp chế, giải quyết tranh chấp, đàm phán ký kết hợp đồng, tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong kinh doanh.

Theo báo cáo, tác động của dịch Covid-19 đối với DN Việt Nam, có đến 87,2% DN chịu tác động tiêu cực từ đại dịch này, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Không chỉ khó khăn về mặt tài chính, dòng tiền, lưu thông hàng hóa, lao động… mà còn đối diện với nhiều vướng mắc, tranh chấp pháp lý phát sinh trong việc thực hiện các giao dịch, hợp đồng kinh doanh thương mại, lao động hoặc trong quan hệ hành chính...

Vì vậy, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa rất cần thiết và phải đa dạng, phong phú hơn.

Tại Hà Nội, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đúng nội dung, chất lượng và tiến độ đề ra. Để thực hiện giải đáp pháp luật cho các DN trên địa bàn bằng nhiều hình thức phong phú, thuận tiện, căn cứ Kế hoạch trọng tâm công tác tư pháp năm 2021, UBND TP giao Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trên trang thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn, hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa và triển khai tổ chức thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DN trên truyền hình; đăng tải 128 bài giải đáp yêu cầu hỗ trợ pháp luật của DN, các thông tin hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN, thông tin cơ bản về các văn bản pháp luật, chính sách mới của Trung ương và TP.

Ngày 02-02,-2021, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 598/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa của TP Hà Nội giai đoạn năm 2021-2025.

Chương trình nhằm giúp DN tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để DN kinh doanh có hiệu quả. Tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của DN. Phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN. Góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với DN.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.