Cần đầu tư công trung hạn để nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Đăng ký, thống kê hộ tịch là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý Nhà nước về dân cư và luôn được quan tâm thực hiện. Với việc triển khai trên toàn quốc phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử đã tạo sự đột phá lớn trong công tác đăng ký, thống kê hộ tịch.
-	Người dân thực hiện TTHC về tư pháp – hộ tịch tại bộ phận một cửa phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm
Người dân thực hiện TTHC về tư pháp – hộ tịch tại bộ phận một cửa phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm

Tại Hội thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 vừa được Bộ Tư pháp tổ chức qua hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, hệ thống đăng ký hộ tịch của Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn cả về thể chế pháp luật, tổ chức bộ máy cho tới cán bộ tư pháp hộ tịch, bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch vẫn còn những khó khăn, thách thức, kể cả nguồn nhân lực, tài chính và các điều kiện khác.

Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2021, qua gần 5 năm triển khai thực hiện, với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chương trình đã có những tác động tích cực đối với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, tạo nên khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh để thực hiện và đạt những mục tiêu về đăng ký khai sinh, kết hôn và khai tử.

Phương thức đăng ký hộ tịch dần chuyển hiện đại với việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đã góp phần cải thiện công tác quản lý hộ tịch. Cơ chế phối hợp giữa ngành tư pháp và các ngành có liên quan; củng cố, kiện toàn cơ bản, toàn diện hệ thống công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch.

Tính đến ngày 19-11-2021, trên hệ thống đã ghi nhận 21.199.519 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 6.467.917 trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân; 4.238.553 trường hợp đăng ký kết hôn; 3.001.464 trường hợp đăng ký khai tử. Đặc biệt, đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.706.122 trẻ em trên môi trường điện tử.

Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 không chỉ bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho công dân ở trong nước, mà còn bảo đảm cả công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Trích lục khai tử) với đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để tiếp tục hoàn thiện phương thức đăng ký hộ tịch trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử, xây dựng hoàn chỉnh Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025.

Tại Hà Nội, việc triển khai đề án cơ sở dữ liệu điện tử, từ đầu năm 2021, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP. Hiện nay trên địa bàn TP có 04/30 đơn vị số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử từ những năm trước, gồm: quận Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên; 26/30 đơn vị mới triển khai thực hiện bước rà soát các loại sổ hộ tịch.

Các quận, huyện tiếp tục duy trì thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh. Đa số yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân được giải quyết kịp thời; trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch được thực hiện đúng quy định của pháp luật. UBND TP đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế.

Kết quả cho thấy, Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư, trong 5 năm, TP đã giải quyết trên 2,1 triệu hồ sơ thuộc 3 TTHC, đạt tỷ lệ trẻ em đồng thời được cấp đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú đạt tỷ lệ cao so với số đăng ký khai sinh mới, cắt giảm mạnh về thời gian, chi phí thực hiện TTHC.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.