Tiếp tục ưu đãi thuế xe ô tô trong nước:

Người có nhu cầu nên tranh thủ

Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đến 31-12-2027 để DN sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo.
Nếu có nhu cầu, người tiêu dùng nên cân nhắc để mua ô tô lắp ráp trong nước thời điểm này, để có thể tiết kiệm đến hàng chục triệu đồng.
Nếu có nhu cầu, người tiêu dùng nên cân nhắc để mua ô tô lắp ráp trong nước thời điểm này, để có thể tiết kiệm đến hàng chục triệu đồng.

Cạnh tranh gay gắt

Theo quy định hiện hành, chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng kể từ ngày 16-11-2017 đến ngày 31-12-2022. Đây là chương trình lần đầu được áp dụng ở Việt Nam, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Việc triển khai chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; thúc đẩy các DN sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước.

Tuy nhiên, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của ô tô nhập khẩu trong bối cảnh cắt giảm hàng rào thuế quan theo các Hiệp định FTA. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, trong đó lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách công cộng gần như đình trệ cùng với thu nhập của người dân giảm sút đã làm cho doanh số bán ra của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sụt giảm mạnh, nhất là dòng xe ô tô buýt, minibuýt và xe khách.

Để tiếp tục khuyến khích các DN đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ xét ưu đãi thuế (DN được lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng); điều chỉnh điều kiện về sản lượng để tham gia Chương trình ưu đãi thuế cho phù hợp với bối cảnh mới.

Đặc biệt, trên cơ sở các kết quả đạt được từ việc thực hiện chương trình giai đoạn vừa qua, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện chương trình này đến 31-12-2027 để các DN sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Tin vui với khách hàng

Thêm một tin vui nữa đối với người mua xe, ngày 26-11-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP, trong đó chỉ rõ: Từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Lệ phí trước bạ là một yếu tố quan trọng cấu thành chi phí lăn bánh của xe. Việc giảm đến 50% lệ phí trước bạ được cho là khiến người mua có thể tiết kiệm đến hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, cần lưu ý, ưu đãi này chỉ dành cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, còn các dòng xe nhập khẩu thì không được hưởng ưu đãi này. Quy định của Chính phủ là một động thái rõ ràng nhằm kích cầu cho các dòng xe nội địa, chia sẻ với khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Còn đối với người tiêu dùng, đây là một quy định mới hoàn toàn có lợi. Nếu như trước đây, mua một chiếc xe sản xuất trong nước tại Hà Nội, người mua phải trả lệ phí trước bạ tạm tính lên đến 12%, thì từ ngày 1-12-2021, người mua chỉ phải trả 6% cho khoản lệ phí này.

Đây là thứ 2 thị trường ô tô chứng kiến chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước của Chính phủ.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12/2020, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ còn 50%.

Chính sách này đã khiến số thu lệ phí trước bạ giảm hơn 7.300 tỷ đồng nhưng giúp tổng thu ngân sách Nhà nước tăng hơn 14.000 tỷ đồng, do thị trường xe trong nước được kích cầu.

Năm 2021, Bộ Tài chính ra dự thảo, trong đó đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngay từ thời điểm 15-11-2021 đến 15-5-2022. Tuy nhiên, dự thảo này được Chính phủ thông qua sau ngày 15-11, do đó chính sách giảm lệ phí trước bạ chính thức được áp dụng từ ngày 1-12-2021 đến 31-5-2022.

Như vậy, người tiêu dùng có tròn 6 tháng được hưởng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ. Nếu có nhu cầu, người tiêu dùng nên cân nhắc để mua ô tô lắp ráp trong nước thời điểm này, để có thể tiết kiệm đến hàng chục triệu đồng.

Tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đến 31-12-2027 để DN sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo. Theo nghị định mới này, đã sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước được quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.