Người "viết" lại cuộc đời sau sai lầm trong quá khứ

Vì những sai lầm trong quá khứ, có người phải trả giá bằng bản án 2 năm tù, người nhiều thì 16 năm. Từng ấy thời gian trong song sắt nhà tù đủ để họ thấu hiểu và trân trọng cuộc sống thường nhật vốn có. Ngày bước chân rời khỏi trại giam cũng là lúc họ “viết” lại cuộc đời bằng một trái tim lương thiện và một tư duy đổi mới để góp sức xây dựng quê hương.
Ông Đặng Hà Vẻ (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của mình.
Ông Đặng Hà Vẻ (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của mình.

Mùa Xuân năm 1989, cách đây 31 năm; người dân thôn Đoàn Kết, xã Hữu Sản, Bắc Quang, Hà Giang bàng hoàng khi hay tin tin ông Đặng Hà Vẻ vướng vòng lao lý. Bởi, ông không chỉ là công dân gương mẫu tại nơi cư trú mà còn là một cựu binh đỏ ngực chiến công.

Trong khoảnh khắc tự vệ trước sự hành hung của người khác, ông Vẻ đã sơ ý khiến 1 người thiệt mạng, 1 người khác bị thương. Mặc dù 2 lần kháng cáo nhưng ông buộc phải chấp nhận sự nghiêm minh của pháp luật bằng bản án tù chung thân.

Ai cũng thương ông, ngày chấp hành án phạt tại trại giam thuộc huyện Hạ Hòa (Phú Thọ); cô con gái đầu lòng mới lên 5 tuổi, cậu con trai thứ 2 vừa tuổi lên 3 và cô con gái út còn trong bụng mẹ; không thể nhìn gương mặt cha khi cất tiếng khóc chào đời.

5 năm sau, tức năm 1994, đất trời như sụp đổ dưới chân khi ông biết tin cô con gái đầu lòng mãi mãi ra đi vì bạo bệnh; vợ ông sau đó cũng trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh... Thương vợ, xót con, ông Vẻ tự nhủ với lòng mình phải cố gắng cải tạo thật tốt để chờ ngày gặp lại người thân. Suốt thời gian cải tạo tại trại giam, nhận thấy “mầm thiện“ trong con người ông Vẻ; năm 2005, tức sau 16 năm chấp hành án phạt tù, ông vinh dự nhận ân xá của Chủ tịch nước để tái hòa nhập cộng đồng đúng ngày Quốc khánh 2-9.

Trân trọng ngày đoàn tụ, ông Vẻ cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế từ 5 ha rừng keo, chăn nuôi gia súc và hàng nghìn gia cầm; trồng lúa đặc sản Nếp cái hoa vàng kết hợp nuôi cá Chép ruộng để tạo thu nhập, lợi ích kép... Ban đầu, để có vốn “giắt lưng”, ông xin cấp phép khai thác rừng nứa ngộ và là người đầu tiên trong xã chuyển đổi đồi tạp sang trồng Keo. Qua 5 - 7 năm/chu kỳ khai thác giúp ông thu lợi trên 500 triệu đồng. Với cách làm tiến bộ này, nhiều người được ông truyền dạy kinh nghiệm đã học tập, làm theo.

Đến nay, phát triển kinh tế rừng tại xã Hữu Sản đã trở thành chiến lược đột phá được cấp ủy huyện Bắc Quang cụ thể hóa tại Nghị quyết Phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu và rừng sản xuất tại các xã phía Đông sông Lô, giai đoạn 2016 – 2020.

Với thành công trên, năm 2017, ông Vẻ vui mừng nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang về thành tích xuất sắc trong công tác “dân vận khéo”. Giờ đây, với sự cần cù lao động; ông Vẻ đã sở hữu cơ ngơi khang trang trị giá bạc tỷ, 2 con của ông đều được trau dồi kiến thức nơi giảng đường đại học hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó, con trai Đặng Hà Võ của ông trở thành cán bộ Thú y xã, được bà con tin tưởng, yêu mến…

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.