Tháng khuyến mại tập trung quốc gia: Cơ hội cho các doanh nghiệp trong mùa làm ăn cuối năm

Mọi doanh nghiệp không phân biệt ngành nghề kinh doanh, vùng miền đều được áp dụng mức khuyến mại lên đến 100% trong thời gian từ ngày 1-12-2021 đến ngày 01-01-2022 mà không phải đăng ký tham gia với bất kỳ cơ quan nào.
Tháng khuyến mại tập trung quốc gia: Cơ hội cho các doanh nghiệp trong mùa làm ăn cuối năm

Chương trình tháng khuyến mại quốc gia sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa trên cả nước.

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa trên cả nước

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đây là chương trình thường niên, đáng lẽ được tổ chức vào tháng 7-2021 nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên lùi lại vào thời điểm cuối năm.

Trong tình hình này, Bộ Công Thương đã thiết lập nhiều kênh thông tin tuyên truyền cũng như thông qua chính các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, DN và cá nhân tham gia Chương trình để có được sự cộng hưởng nhiều chiều, giúp tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, DN và người tiêu dùng trên cả nước.

Được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2020, tháng khuyến mại quốc gia đã thu hút được đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng DN với hơn 27.450 chương trình khuyến mại.

Trong đó có gần 1.000 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 80-100%, 1.100 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 60-79% và khoảng 2.500 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 50-59%.

Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.

Thay vì bình thường, theo Nghị định 81/2018, DN bị quy định mức trần khuyến mại giảm giá tối đa không vượt quá 50%, nghĩa là DN có tiềm lực, muốn giảm giá sâu hơn để hút khách, kích cầu, gia tăng lợi nhuận cũng không được.

Nhưng năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia có phạm vi áp dụng trên toàn quốc. Mọi DN không phân biệt ngành nghề kinh doanh, vùng miền đều được áp dụng mức khuyến mại lên đến 100% trong thời gian từ ngày 1-12-2021 đến ngày 01-01-2022 mà không phải đăng ký tham gia với bất kỳ cơ quan nào.

Ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, chương trình tháng khuyến mại quốc gia sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa trên cả nước, thúc đẩy cung cầu, phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế - xã hội của cả nước.

Doanh nghiệp dồn sức sản xuất cuối năm

Trong Tháng khuyến mại tập trung năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt hơn 333.000 tỷ đồng, tăng đến 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm nay, các DN cũng đang kỳ vọng mức tăng này, chưa kể, với hai tháng liên tiếp, con số này có thể lên gấp đôi. Với kỳ vọng này, các DN đang dồn tổng lực cho các chương trình kích cầu trong 2 tháng cuối năm.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Kido, cho biết, Tập đoàn Kido đã mạnh dạn lên kế hoạch sản xuất tăng 30% sản lượng dầu ăn phục vụ nhu cầu dịp Tết. Không chỉ đa dạng kênh phân phối, họ cũng tặng thêm sản phẩm cho khách, tương đương chiết khấu từ 15 - 30%.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền GĐ Sở Công Thương TP Hà Nội chia sẻ, tháng khuyến mại tập trung năm nay đã thu hút hơn 3.000 DN tham gia với nhiều hình thức khuyến mãi từ online đến offline. Tỷ lệ khuyến mãi 100% tương đối nhiều, tập trung vào các sản phẩm may mặc, thời trang. Nhóm sản phẩm khuyến mãi trung bình cao nhất từ 50 - 80%. Chúng tôi kỳ vọng tổng doanh thu bán lẻ ở trên địa bàn sẽ tăng trưởng cao hơn.

Năm nay DN chuộng hình thức kết hợp các nhãn hàng với nhau để khách hàng mua sản phẩm sẽ được tặng sản phẩm tương đương với các mức chiết khấu thay vì giảm trực tiếp tiền mặt. Điều này vừa có lợi cho người tiêu dùng, vừa hỗ trợ DN gia tăng sản xuất bù cho những tháng giãn cách xã hội vừa qua.

Khảo sát của Cty nghiên cứu thị trường Ipsos cho biết, hầu hết người dân có thu nhập bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, nhất là những gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Do vậy, bản thân DN cũng đang rất thận trọng, dự báo nhu cầu và đưa ra một kế hoạch sản xuất hợp lý.

Đại diện Cty Vissan chia sẻ, dự báo, sức mua thị trường Tết sẽ giảm khoảng 10 - 20% so với năm trước. Một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20 - 30% khiến Cty Vissan phải tính toán kỹ bài toán chuẩn bị hàng Tết. Giảm lượng cung ứng, nhưng tăng lượng dự trữ là cách DN ứng phó.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng 10. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức mua đang tăng dần sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các DN đang cố gắng khắc phục mọi khó khăn để dồn tổng lực cho 2 tháng cuối năm, cùng với các chương trình kích cầu, giảm giá, hy vọng nâng sức mua nội địa, gia tăng lợi nhuận cho DN.

Theo ông Lê Hoàng Tài, chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia lại đến vào dịp cuối năm và chuẩn bị Tết Âm lịch nên chắc chắn sức mua sẽ tăng đáng kể. Điều này sẽ góp phần kích cầu hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa phục vụ cho sản xuất để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịp cuối năm, tiến tới thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.