Hà Nội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất

Mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2020 giảm 16% so với năm 2019, tuy nhiên, Hà Nội vẫn đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất.
Hà Nội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất
Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi PM2.5 của tất cả 63 tỉnh/thành phố

Đây là thông tin trong Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” được công bố sáng 1-12-2021. Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi PM2.5 không chỉ tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà của tất cả 63 tỉnh/thành phố, với dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ trạm quan trắc tiêu chuẩn, thiết bị cảm biến tới dữ liệu vệ tinh.

Báo cáo được thực hiện bởi trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo báo cáo, trên phạm vi toàn quốc, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 có xu hướng giảm so với năm 2019. Trong năm 2019, nồng độ PM2.5 trung bình năm thấp nhất là 9 µg/m3 và cao nhất là 41 µg/m3; và trong năm 2020 là 8 µg/m3 và 35,8 µg/m3. Các vùng có nồng độ bụi PM2.5 cao là Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các khu vực ven biển), và TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Số liệu báo cáo cũng chỉ ra sự liên quan giữa quy mô đô thị và ô nhiễm bụi PM2.5. Theo đó, nồng bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cấp đô thị, trong hai đô thị đặc biệt có Thủ đô Hà Nội (tương đương 50% của nhóm đô thị này) có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia, trong khi tỷ lệ này tại các đô thị loại I, loại II, loại III, và loại IV lần lượt là 36,4%, 15,6%, 31,3% và 12,1%.

Hà Nội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất
Tỷ lệ đô thị có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 vượt QCVN 05:2013/BTNMT

Nhóm đô thị loại III có tỉ lệ vượt ngưỡng quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT cao hơn nhóm đô thị loại II, nguyên nhân có thể do phân bố của các đô thị loại III tập trung nhiều ở những vùng có mức độ ô nhiễm cao như vùng Đồng bằng sông Hồng và xung quanh TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất. Nồng độ bụi trung bình cả hai năm 2019-2020 đều vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019.

Cụ thể, có tới 29/30 quận,huyện và thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 vượt quy chuẩn QCVN 05:2013 BTNMT. Trong đó, hầu hết các quận nội thành đều có nồng độ cao hơn so với các huyện/thị xã ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì). Tại 12 quận nội thành, nồng độ bụi dao động trong khoảng từ 31,5 µg/m3 đến 32,9 µg/m3, cao nhất tại quận Hai Bà Trưng (32,9 µg/m3) và thấp nhất tại Hà Đông (31,5 µg/m3). Trong khi đó, giá trị này tại các huyện/thị xã ngoại thành trong khoảng từ 24,1µg/m3 đến 33,6 µg/m3, cao nhất là Gia Lâm (33,6 µg/m3) và thấp nhất tại Ba Vì (24,1 µg/m3).

Hà Nội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất
Bản đồ phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.

Về diễn biến nồng độ bụi PM2.5 theo mùa trong năm 2020 có sự biến động rõ rệt theo mùa, trong đó tăng cao trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 và giảm từ tháng 5 đến tháng 9; và chênh lệch rất lớn giữa tháng có nồng độ cao nhất và thấp nhất. Cụ thể, nồng độ bụi PM2.5 của các quận/ huyện ở Hà Nội cao nhất trong tháng 2 (dao động từ 38,1 μg/m3 đến 56,1 μg/m3) và thấp nhất là vào tháng 8 (biến động từ 13 μg/m3 đến 18,6 μg/m3).

Vào các tháng mùa hè, điều kiện nhiệt độ cao, gió mạnh làm cho bụi dễ khuếch tán, và thời tiết mưa nhiều cũng giúp nồng độ bụi PM2.5 giảm thấp. Bên cạnh ảnh hưởng của các nguồn thải tại địa phương, chất lượng không khí Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng tới bởi bụi PM2.5 lan truyền từ xa và điều kiện khí tượng.

Theo nghiên cứu của Oanh & Huy (2021), ước tính tổng lượng PM2.5 phát thải khoảng 20 nghìn tấn/năm (chưa kể bụi đường và môt số nguồn khác), trong đó khoảng 48,3% lượng PM2.5 đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề, 21,3% từ giao thông, 20,2% do đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) và 6,6% do đun nấu dân dụng và thương mại. Hoạt động không nằm trong kết quả kiểm kê phát thải này gồm xây dựng, lò đốt rác, vận tải đường biển quốc tế, hỏa hoạn, đốt hương, nến và vàng mã…

Hà Nội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất
Đóng góp các nguồn thải bụi PM2.5 năm 2018 (Nguồn: Oanh&Huy 2021)

Dựa trên kết quả của báo cáo và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cụ thể. Trong đó, nổi bật là đề xuất ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát CLKK nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành. Đồng thời, xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới từng quận, huyện, thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Các bản đồ chi tiết này sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và ban/ngành liên quan đưa ra các ưu tiên, mục tiêu cụ thể và giải pháp quản lý CLKK phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn đề xuất đẩy mạnh các nghiên cứu để xác định đóng góp nguồn thải bụi PM2.5 và cho các chất ô nhiễm không khí khác.

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.