Sản xuất công nghiệp trong tháng 11-2021 tiếp tục khởi sắc

Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, gây đứt gãy chuỗi sản xuất quy mô lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, với chủ trương của Chính phủ là tập trung phòng chống dịch hiệu quả, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn.
Khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn.

Ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%

Số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-11 cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 11-2021 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11-2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11-2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong 11 tháng qua, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Kim loại tăng 23,4%; xe có động cơ tăng 10,7%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9%; dệt tăng 8,3%; khai thác than cứng và than non tăng 6,9%; trang phục tăng 6,3%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,4%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của một số ngành giảm là thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 18,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 10,4%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 4,4%; đồ uống giảm 3,9%.

Cần thống nhất nguồn lực từ trung ương đến địa phương

Bộ Công Thương cho rằng, để ngành công nghiệp phát triển trở lại cần tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết: Thời gian tới, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...

Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các DN công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật; xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng tối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.

Thời gian tới, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khởi sắc nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu đang hồi phục. Vì vậy, việc khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn, giữ được bạn hàng cho những năm tiếp theo.

Dự báo về chỉ số sản xuất công nghiệp cuối năm 2021, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (tăng 8-9%) nhưng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.