Chuyện trong khu cách ly

Bài 1: Phát hiện cả rượu định tuồn vào khu cách ly

Với những người đang thực hiện cách ly trong các khu cách ly tập trung, thiếu thốn nhất có lẽ là những khoảng thời gian được tung tẩy ngoài kia. Tuy thế, với người thân, việc “tiếp tế” lương thực – thực phẩm vẫn liên tục được gửi vào cho những công dân cách ly với cái cách vô cùng đặc biệt.
Bài 1: Rượu, chất kích thích cũng được gửi vào… khu cách ly
Đồ tiếp tế liên tục được người thân gửi vào trong khu cách ly. Ảnh: N.D

Tiếp xúc với F0 trong một dịp về nhà ngoại, chị N.N.D (Long Biên, Hà Nội) cùng cô con gái hơn 2 tuổi bồng bế nhau vào khu cách ly tập trung tại Cao Đẳng đường sắt (Thượng Thanh, Long Biên). Chị kể, ban đầu mới được đưa đến khu cách ly, chị cũng rất lo lắng về sự đơn giản của căn phòng mẹ con chị ở. “Phòng cách ly là một phòng trong ký túc xá của sinh viên. Căn phòng khoảng 12, 13m2, có nhà tắm và nhà vệ sinh khép kín. Phòng trống trải, vật dụng duy nhất có thể sử dụng đó là 2 chiếc giường tầng bằng sắt kê ở hai góc phòng” – chị kể.

Phòng cách ly sạch sẽ nhưng thiếu thốn khá nhiều với thời tiết đã sang đông ở Hà Nội. Khi mới vào, chị được bên quản lý khu cách ly là những cán bộ, chiến sĩ bộ đội thuộc Ban chỉ huy quân sự quận Long Biên cấp cho 2 chiếc chiếu, 2 chiếc vỏ chăn mỏng, màn và gối. Các phòng trong khu cách ly đều không có bình nước nóng, nhưng được sự cho phép của các cán bộ quản lý, chiếc ấm siêu tốc dùng để đun nước được chị dùng nhiều nhất trong những ngày ấy.

Chị D cho biết, khác với những phản ánh, những hình ảnh trên mạng xã hội về khu cách ly tập trung chị biết từ trước, khu cách ly chị ở được quản lý rất nghiêm ngặt. “Mọi sinh hoạt của các công dân cách ly chỉ được diễn ra ở trong phòng ở, không có bất cứ lý do nào để người cách ly được phép bước ra khỏi cửa. Và tuyệt đối không có chuyện giao lưu, nói chuyện hay tiếp xúc với người ở các phòng khác. Sáng 6g30 – 7g sáng có người mang đến đồ ăn sáng. Trưa 11g15 – 11g30, chiều 5g30 – 6g sẽ được các bạn dân quân mang cơm đến. Rác, vệ sinh khu cách ly cũng do các bạn thu gom và dọn dẹp. Bất cứ ai thiếu đồ gì có thể báo với ban quản lý hoặc nhờ ban quản lý mua giúp”. Chị D bảo, các suất ăn ở khu cách ly tương đối vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Món ăn thay đổi hàng ngày, thậm chí nhiều lần bên quản lý khu cách ly cũng hỏi chị có cần cháo cho bé nhà chị hay không.

Cùng đợt cách ly với chị D, chị N.N.B (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) cũng đi cách ly cùng cậu con trai 7 tuổi. Chị cách ly tại Học viện Nông nghiệp (Gia Lâm). Chị ở cùng với con và 2 F1 cùng quận. “Ở các khu cách ly, các F1 sẽ được phân phòng theo cấp độ nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Nếu F1 được xếp vào diện nguy cơ cao sẽ ở một mình 1 phòng, còn những F1 thuộc diện nguy cơ thấp ví dụ như có F0 trong cùng nơi làm việc, không tiếp xúc trực tiếp nhiều sẽ xếp 2 – 3 người một phòng tùy diện tích phòng” – chị B cho biết.

Việc chị lo nhất khi vào khu cách ly tập trung đó là đồ ăn, thức uống cho cậu con trai vốn khảnh ăn. Chính vì vậy nên người nhà bên ngoài gửi vào cho hai mẹ con chị nhiều nhất là đồ ăn. Và cũng là lẽ tâm lý giống như người nhà chị, ngoài những việc lo chuyện ăn uống, dọn dẹp khu cách ly, những cán bộ, chiến sĩ, dân quân phục vụ ở các khu cách ly, việc nhận đồ tiếp tế và chuyển vào cho người dân là một việc không hề… nhẹ.

“Liên tục từ sáng đến chiều trên nhóm chat zalo kêu không ngừng nghỉ. Người kêu hết giấy vệ sinh, phòng kêu hết nước uống, rồi xà phòng tắm, bột giặt. Hoặc đang giờ nghỉ trưa lại giật thót vì tin nhắn của ai đó nhờ các đồng chí dân quân chuyển đồ tiếp tế vào”. Chị B kể, không chỉ đồ tiếp tế do người nhà gửi vào, những người đang thực hiện cách ly thậm chí còn đặt đồ ăn qua các app, hoặc đặt shipper mang đến chốt. “Không ít lần xuất hiện lời đề nghị các đồng chí bộ đội mang lên giúp mấy cốc… trà sữa vừa được ship đến.”

Anh D.Q.C (Vĩnh Tuy), chồng chị B kể, do cả vợ và con anh đều trong khu cách ly tại Học viện Nông nghiệp, nên khi có thời gian rảnh địa điểm anh hay lui tới nhiều nhất là khu vực này. “Ở đây cũng cập nhật một cách nhanh nhất F1 nào bình yên và khi nào có F nào “chuyển dấu” – anh nói.

“Có lần tôi mang đồ đến gửi cho vợ con, thấy chiều đó các cán bộ quản lý ở điểm cách ly làm rất gắt. Ngoài việc yêu cầu người gửi đồ mở tất cả đổ ra để họ kiểm tra, còn thấy có sự tham gia của chó nghiệp vụ” – anh C kể. Và anh cho biết, anh đã chứng kiến những chai lavie còn nguyên lớp nilon, nhưng trong chai đã được tráo bằng… rượu. Thậm chí, chó nghiệp vụ còn phát hiện ra cả “kẹo”, chất kích thích được chuyển vào khu cách ly. Còn những đồ thịt chó mắn tôm, gà, lòng lợn… là chuyện… thường ngày ở huyện.

(Còn nữa)

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.