Đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch là điều vô cùng quan trọng

Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 còn phức tạp, nên ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch nền kinh tế sẽ phải có thêm những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.
Đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch là điều vô cùng quan trọng
Đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch để sẵn sàng tiếp sức cho DN và người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh

Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò lớn trong thời gian tới

Phát biểu tại Toạ đàm Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đưa ra 7 giải pháp giúp nền kinh tế khắc phục khó khăn do đại dịch. Cụ thể gồm: Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng phù hợp; khẩn trương triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; triển khai các giải pháp miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán…

Ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,66%/năm.

Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23-01-2020 đến cuối tháng 10-2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.

Những kết quả này đạt được trong điều kiện bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ đại dịch. DN gặp khó khăn trong vay trả nợ ngân hàng, rủi ro nợ xấu phát sinh, gia tăng. Chu chuyển vốn chậm và vòng quay tín dụng chậm lại do DN phải tạm ngưng hoạt động, sản xuất gián đoạn...

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị, phải có giải pháp để không làm ảnh hưởng, méo mó lãi suất trên thị trường, không nên đẩy các ngân hàng vào thế rủi ro. Ông Nghĩa nhận định, tại nhiều quốc gia trên thế giới, để phục hồi kinh tế thì sẽ không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Khi các ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm, điều này phải cân nhắc. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng Covid-19, DN vất vả nhất sẽ là các ngân hàng thương mại.

Theo TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn các nước nên chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò lớn trong thời gian tới. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi, tất nhiên là cần thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Khuyến nghị của ADB là chính sách tài khóa sẽ là trụ cột chính, bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.

Hỗ trợ trong thời gian tới phải có sự sàng lọc mạnh mẽ

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hoạt động của ngân hàng đã phải chịu nhiều hệ lụy. Điều đó khiến việc điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2021 và sang năm 2022 đối mặt với không ít thách thức khi vừa phải duy trì sự hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế còn đang mong manh, bất trắc, vừa phải chủ động đối phó với áp lực lạm phát gia tăng.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá cho hay, nếu đưa ra các biện pháp thì áp dụng cho đối tượng nào, và đối tượng đó có chính xác không? Từ kinh nghiệm quốc tế, quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng “zombie”, là những DN không có khả năng tồn tại ngay cả khi được trợ cấp, kéo dài tình trạng “xác sống” trước khi rút khỏi thị trường.

Vì vậy, ông Hiếu đề nghị, xu hướng hiện nay là tạo ra sự sàng lọc mạnh mẽ, làm mới lại các khu vực DN, phương châm là không gượng dậy trên con đường cũ mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới. Ở đây có 2 thứ là tiếp tục xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải sử dụng các biện pháp thị trường, tránh hành chính hóa.

Trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Ở góc độ lãi suất thị trường hiện nay khá thấp, quan ngại của diện Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống nên việc điều hành lãi suất thời gian tới đảm bảo hài hòa.

Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ ngành xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, về nguồn lực đang giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xác định đối tượng cụ thể tiếp cận hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính và diện Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định nguồn lực, trên nguyên tắc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn.

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng GĐ LienVietPostBank chia sẻ: "Chúng tôi đã vào cuộc hỗ trợ DN, giảm lãi suất cho khách hàng. Ngân hàng đánh giá bản thân DN sẽ đối mặt với nợ xấu, ngân hàng phải ngồi lại với từng DN để rà soát, xem ngân hàng phải hỗ trợ đến đâu. Nếu DN phát sinh nợ xấu thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngân hàng. Đến 2022 nợ xấu của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do hỗ trợ DN, nên cần chính sách đồng bộ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để có thể đồng hành, hỗ trợ DN khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh".

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.