Yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC nghiêm ngặt đối với các cơ sở kinh doanh khí

Sáng 30-11, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Gas Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị "Kinh doanh khí: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường tại Hà Nội".
Yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC nghiêm ngặt đối với các cơ sở kinh doanh khí
Đã có nhiều ý kiến phản biện, góp ý đến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu thông qua hoạt động trao đổi, thảo luận, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ thách thức để hoàn thiện pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường khí quốc gia

Đã có nhiều ý kiến phản biện, góp ý đến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu thông qua hoạt động trao đổi, thảo luận, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ thách thức để hoàn thiện pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường khí quốc gia.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng tương đối đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý về kinh doanh khí. Tuy nhiên, qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý Nhà nước nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định cần được thay thế, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với mục tiêu quản lý.

Bộ Công Thương đã chủ trì hoặc tham gia phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, diễn đàn về thị trường kinh doanh khí để lắng nghe các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh khí về những bất cập cần sớm xem xét, đánh giá tổng thể và sửa đổi đối với các quy định về kinh doanh khí. Một số bất cập cụ thể: Tồn tại một số loại hình thương nhân kinh doanh LPG đang hoạt động nhưng chưa được điều chỉnh, một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân (thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí, thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh, mua bán khí). Chưa quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể về các loại hình kinh doanh khí thuộc hệ thống phân phối. Tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG bị chiến dụng, cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra lưu thông trên thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, chạm chiết nạp LPG vào chai trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh. Quy định về thuê chai LPG, nhãn hiệu hàng hóa chai LPG đã và đang gây cản trở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống các hành vi gian lận thương mại... Thiếu quy định về quản lý đối với trạm cấp khí. Việc triển khai công tác kê khai giá, kiểm soát giá không được thực hiện nghiêm túc và khó kiểm tra...

Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất trong thời gian tới, nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện về kinh doanh khí cần đạt được các yêu cầu: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình tổ chức, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực; hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh; loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không ban hành điều kiện kinh doanh trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền; các quy định đưa ra phải đảm bảo yêu cầu rõ ràng

Theo Trung tá Nguyễn Công Thành - Phó Trưởng Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an, theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 26.266 cơ sở kinh doanh khí bao gồm: nhà máy chế biến/xử lý khí, kho chứa khí, trạm chiết nạp khí, trạm phân phối khí, cảng xuất/nhập khí và các cửa hàng kinh doanh chai chứa LPG, ngoài ra có hàng triệu hộ gia đình đang sử dụng sản phẩm có liên quan đến LPG phục vụ cho sinh hoạt.

Do đó, yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh khí là hết sức quan trọng và cấp thiết. Xuất phát từ yêu cầu về quản lý xã hội, quản lý an ninh trật tự, bảo đảm an toàn PCCC. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC tương đối hoàn chỉnh đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh khí. Về cơ bản, các cơ sở kinh doanh khí đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCC, tuy nhiên trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh khí vẫn một số tồn tại, thiếu sót và vi phạm về pháp luật PCCC ở một số nhóm hành vi như: Người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC theo quy định: Không tiến hành thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC trước khi đi vào hoạt động; không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; chưa duy trì việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH, kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị PCCC định kỳ; Hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC, CNCH của cơ sở chưa được cập nhật, bổ sung bảo đảm thành phần trong quá trình hoạt động: Không có nội quy, quy định về PCCC và CNCH do người đứng đầu cơ sở ban hành; chưa cập nhật, bổ sung thành phần, nội dung hồ sơ về CNCH; Hệ thống, thiết bị PCCC và hệ thống kỹ thuật có liên quan đến PCCC trang bị tại các cơ sở đã đưa vào hoạt động nhiều năm thường không đáp ứng theo quy định, chất lượng thiết bị không bảo đảm yêu cầu, lắp đặt không phù hợp với khu vực chữa cháy, không duy trì việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ, dẫn đến tình trạng sau một thời gian hoạt động, hệ thống bị hư hỏng hoặc hoạt động không đúng chức năng, thiết kế ban đầu. Lực lượng PCCC cơ sở chưa bảo đảm về số lượng, biên chế theo quy định, đội viên chưa nắm bắt được kiến thức, kỹ năng PCCC: Không thường xuyên tham gia các hoạt động PCCC; không được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo định kỳ…; Cửa hàng kinh doanh chai LPG không đảm bảo các điều kiện an toàn: địa điểm cửa hàng không đảm bảo khoảng cách an toàn với công trình lân cận; không có các giải pháp ngăn chặn cháy lan, phát hiện rò rỉ, thông gió tránh tồn đọng hơi khí LPG; vi phạm các quy định trong an toàn sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt; tồn trữ LPG quá khối lượng cho phép; sắp xếp, bố trí chai LPG không đảm bảo khoảng cách, gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; không thường xuyên thực hiện chế độ vệ sinh công nghiệp…;

Tình trạng san chiết trái phép diễn ra phổ biến tại các địa điểm san chiết không đảm bảo; thiết bị san nạp thô sơ, không an toàn; sử dụng loại gas không đúng tỷ lệ để nạp vào chai LPG mini, trong khi đó chai LPG mini chỉ được sử dụng 1 lần và không được phép sang nạp lại. Vi phạm quy định an toàn trong quá trình vận chuyển: Chủ phương tiện chưa được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; phương tiện vận chuyển không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC; xếp chai LPG không đúng quy định gây va đập, nổ bình hoặc bị rò rỉ gas thoát ra ngoài.

Các hành vi vi phạm quy định về PCCC trên chính là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến các vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản và gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê số vụ cháy, nổ đối với các cơ sở kinh doanh khí nói chung chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số vụ cháy, nổ xảy ra trên toàn quốc. Tuy nhiên, các vụ cháy, nổ trong lĩnh vực kinh doanh khí đều để lại thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng đến đời sống xã hội, cụ thể: Vụ nổ gas ngày 5-12-2012 tại Công ty Gas An Dương, khu công nghiệp Khai Sơn, Thuận Thành, Bắc Ninh khiến 56 người bị thương; Vụ nổ gas tại khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) năm 2012 làm 1 người chết và 16 người bị bỏng nặng phải đi cấp cứu tại bệnh viện; Vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh gas trái phép số nhà 33 tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội ngày 10-5-2018 làm 1 người chết và phá huỷ 3 cửa hàng, ngôi nhà 3 tầng; Vụ cháy, nổ cửa hàng gas tại số nhà 244 Thạch Sơn, Tổ 2, Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai ngày 11-8-2021…

Trung tá Nguyễn Công Thành cho rằng, để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho cơ sở kinh doanh khí trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC đã ban hành để phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu PCCC; tiếp tục xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC đối với các cơ sở kinh doanh khí hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật như nhà máy xử lý khí, kho ngầm bảo quản khí đốt, cơ sở bảo quản chế biến LNG, LPG bằng công nghệ lạnh... bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi.

Gắn liền quy hoạch về PCCC với các đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, quy hoạch đối với các cơ sở kinh doanh khí nói riêng ở địa phương, phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC,

Tăng cường phối hợp giữa các Bộ ngành để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC và CNCH ở lĩnh vực kinh doanh khí; quản lý chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm khắc, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở san, chiết, nạp khí LPG trái phép để ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra các trường hợp cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.