Không chủ quan, lơ là PCCC tại chung cư, nhà cao tầng dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn, vậy nên các hoạt động phòng chống cháy nổ luôn được chính quyền địa phương triển khai đẩy mạnh đặc biệt lại tại khu vực chung cư, nhà cao tầng.
Không chủ quan, lơ là PCCC tại chung cư, nhà cao tầng dịp cuối năm
Diễn tập PCCC tại các toà nhà chung cư, văn phòng.

Ngày 28-11, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại một chung cư trên đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng cũng đủ để đưa lên những cảnh báo về hoả hoạn cho người dân, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.

Thực tế, không chỉ riêng khu vực đông dân cư tại mặt đất mới có nguy cơ cháy nổ cao, các khu vực chung cư, tòa nhà văn phòng cũng tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Đối với những địa điểm cháy là các tầng cao, khả năng dập lửa, hạn chế thiệt hại hoặc cứu hộ người dân cũng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn.

Vậy nên, để hạn chế nguy cơ cháy nổ dịp cuối năm cũng như nâng cao hiệu quả của hoạt động PCCC, lực lượng PCCC-CHCN tại các quận/huyện Hà Nội đã ra sức thực hiện công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp cùng các tòa nhà, chung cư, văn phòng thực hiện diễn tập phòng cháy chữa cháy, đồng thời kiểm tra điều kiện PCCC tại các chung cư, tòa nhà văn phòng.

Vào giữa tháng 11 vừa qua, lực lượng PCCC-CHCN quận Ba Đình và Đống Đa đã phối hợp cùng Ban quản lý tòa nhà VISAHO tại Capital Place thực hiện diễn tập phòng cháy chữa cháy. Bối cảnh giả định là đám cháy xuất phát từ tầng hầm và tầng 7 của tòa nhà. Lực lượng PCCC đã xuất hiện kịp thời cùng 3 xe chữa cháy chuyên dụng, giải cứu người bị kẹt, phun vòi rồng để dập lửa, hướng dẫn mọi người thoát hiểm và sử dụng công cụ chữa cháy đúng cách…

Đại diện lực lượng PCCC – CHCN cho biết, mỗi Ban quản lý tòa nhà là một đội PCCC cơ sở, ngoài việc tuyên truyền hoạt động PCCC hiệu quả tại các khu chung cư, tòa nhà văn phòng thì cũng cần thực hiện kiểm tra, bảo trì hệ thống PCCC, thực hiện chữa cháy và cứu hộ cứu nạn nếu có cháy nổ.

Công tác PCCC tại nhiều tòa chung cư, văn phòng hiện cũng đang được chú trọng và đẩy mạnh . Nhiều chung cư đầu tư hàng trăm bình cứu hỏa, tổ chức diễn tập thường xuyên, hướng dẫn cư dân, đội ngũ nhân viên tại tòa nhà sử dụng dụng cụ chữa cháy. Ghi nhận tại chung cư Thăng Long Number One (Cầu Giấy) trang bị hơn 700 bình cứu hỏa các loại, gần 300 hộp cứu hỏa cố định; chung cư Hồng Kông Tower (Đống Đa) trang bị trên 200 bình cứu hỏa, nhiều bốt nước chữa cháy; tòa nhà văn phòng Viglacera (Nam Từ Liêm), trang bị trên 180 bình cứu hỏa tại tất cả các tầng…

Không chủ quan, lơ là PCCC tại chung cư, nhà cao tầng dịp cuối năm
Đào tạo kĩ năng PCCC tại chỗ của nhân viên toà nhà văn phòng Capital Place

Ông Đặng Thanh Hải – Giám đốc Ban Quản lý vận hành VISAHO tại chung cư Thăng Long Number One cho biết: “Công tác PCCC tại tòa nhà là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, Ban quản lý vận hành thường xuyên tuyên truyền đến các cư dân và khách hàng về công tác an toàn PCCC. Đội PCCC cơ sở thường xuyên được tập huấn và đào tạo sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy hiện có cũng như nâng cao các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra”.

Ông Hải cũng nhận định, điều quan trọng nhất là đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà phải thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC thường xuyên. “Nhiều tòa nhà xảy ra hỏa hoạn nhưng hệ thống PCCC không hoạt động, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Để phòng ngừa, ngoài công tác kiểm tra tình trạng của các thiết bị chữa cháy cầm tay, chữa cháy xe kéo và các thiết bị lăng vòi chữa cháy chúng tôi tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống PCCC định kỳ hàng tháng quá đó có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh và duy trì hệ thống luôn hoạt động ổn định và an toàn”.

Khánh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.