Xây dựng văn hóa công vụ vì mục tiêu phục vụ Nhân dân

Trong tham luận gửi tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, triển khai Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh văn hóa công vụ là những giá trị tạo nên niềm tin, niềm tự hào, lòng yêu nghề, sự gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức; phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu chính của nền hành chính phục vụ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Văn hoá công vụ hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội vì mục tiêu phục vụ nhân dân
Văn hoá công vụ hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội vì mục tiêu phục vụ Nhân dân

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trong thời gian qua, các Bộ, ngành và địa phương đều tích cực thực hiện chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về xây dựng văn hóa công vụ và đạt được những kết quả tích cực.

Lề lối, phương thức làm việc trong các cơ quan, tổ chức từng bước được đổi mới theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiện đại và hiệu quả; các địa phương thành lập, triển khai vận hành Bộ phận một cửa để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; thuận lợi, nhanh chóng,…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc xây dựng văn hóa công vụ ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa đầy đủ.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công vụ trong các cơ quan Nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên. Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức còn chuyển biến chậm; còn thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng; chưa có thái độ tôn trọng, hòa nhã với Nhân dân.

Quy trình giải quyết công việc còn kéo dài, hiệu quả chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương có nơi còn lỏng lẻo. Công tác kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương từng nơi, từng lúc còn hạn chế,…

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, để xây dựng văn hóa công vụ có ý nghĩa to lớn trong công cuộc cải cách nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân, chúng ta cần nghiêm túc quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các chủ trương lãnh đạo của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu bối cảnh của tình hình mới...

Cùng với đó là hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy định về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về văn hóa công vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy phục vụ Nhân dân, xứng đáng là “công bộc” của dân…

Chúng ta cũng cần đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện văn hóa công vụ để người khác noi theo, góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa công vụ.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.