Sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi:

Cơ quan giám định chịu trách nhiệm với nội dung của bản kết luận

Ngày thứ 5 xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra ở dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, HĐXX đã bất ngờ quay trở lại phần xét hỏi…
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Trước đó, cuối phiên xét xử ngày 26-11, HĐXX tuyên bố, kết thúc phần xét hỏi để chuyển sang phần tranh luận. Về việc quay lại phần xét hỏi, chủ tọa Vũ Quang Huy cho biết, cần phải làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ án, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt tại các ngày xử trước đó; cần làm rõ thêm về trách nhiệm bồi thường dân sự.

Tại tòa, đại diện Cty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông, Cty TNHH liên hợp xây dựng Vạn Cường… cho biết không yêu cầu các bị cáo liên đới phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Bị cáo Nguyễn Thành An, Lê Nhiều, Nguyễn Tiến Thành… đã đặt câu hỏi đối với giám định viên về các nội dung xoay quanh việc xác định tải trọng thiết kế là bao nhiêu? Lấy tải trọng thiết kế là trục 12 tấn làm chuẩn để đo cường độ mặt đường mô đun đàn hồi E hay lấy tải trọng trục 10 tấn để đánh giá nghiệm thu mặt đường theo thiết kế trục 12 tấn?

Về những thắc mắc trên, giám định viên của Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam, Bộ GTVT, trả lời, việc đánh giá cường độ mặt đường được giám định theo trục 12 tấn của hồ sơ thiết kế được duyệt, đồng thời khẳng định cơ quan giám định chịu trách nhiệm trước nội dung của bản kết luận giám định đã nêu.

Theo hồ sơ vụ án, kết luận giám định của Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam - Bộ GTVT xác định, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án như chiều dày lớp bê tông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định.

Lớp bê tông nhựa hạt mịn C12.5, bê tông nhựa hạt trung C19 thiếu chiều dày bình quân, độ rỗng dư giao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm gia cố nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu, lớp cấp phối đá dăm loại I và loại II tại các gói thầu có độ mài mòn, chỉ số dẻo không đạt yêu cầu; cường độ chịu tải trọng của mặt đường không đảm bảo quy định, nhiều vị trí đo trên tuyến có hệ số rất thấp, không đạt yêu cầu quy định…

Quá trình thi công, nghiệm thu, các đơn vị liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công như Tiêu chuẩn số 211-2006, Chỉ dẫn kỹ thuật số 06200 của dự án quy định, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng, nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Với hạng mục công trình có sử dụng vật liệu đá (cấp phối đá dăm, bê tông nhựa các loại), ngày 18-5-2016, Bộ GTVT đã có Văn bản số 1328/CQLCL-ĐB2 gửi Chủ đầu tư dự án, cảnh báo về chất lượng kém đối với nguồn vật liệu đá của các mỏ đá (Đà Sơn, Phước Tường, Hương Mao, Chu Lai, Hố Chuồn…), tuy nhiên Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.

Cơ quan giám định tư pháp cũng đã tổ chức lấy vật liệu tại các mỏ đá này để thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu, đều xác định chất lượng tại các mỏ đá đều không đảm bảo theo yêu cầu quy định.

Ngày 29-11, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận.

Trước tòa, đại diện cơ quan giám định cho biết, trong quá trình giám định, đo đạc đã lường trước tính chất phức tạp của công trình, tiến hành giám định bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có sử dụng máy đo chuyên dụng của Đức và tính tới sự tác động của thời tiết, thời gian và đo đạc với nhiều thống kê số liệu khác nhau trước khi ra kết quả giám định cuối cùng.

“Với cáo buộc thiệt hại số tiền hơn 811 tỷ đồng, đơn vị giám định không tham gia tính toán con số này” – giám định viên khẳng định. HĐXX nhận định, việc tính toán số tiền thiệt hại không thuộc trách nhiệm của cơ quan giám định mà thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng nên giám định viên không cần trả lời câu hỏi này.

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.