13 quận, thị xã phát triển 2 văn phòng thừa phát lại

Trong đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội, có 13 quận, thị xã phát triển 2 văn phòng thừa phát lại, 17 huyện còn lại phát triển 1 văn phòng.
Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân
Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân

Ngày 14-7-2021, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định số 3545/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, mục tiêu của đề án là triển khai đầy đủ, hiệu quả nội dung Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26-11-2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại và kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 5-5-2020 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ.

Theo đó, căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập văn phòng thừa phát lại; mật độ dân cư ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập văn phòng thừa phát lại, thành lập không quá 2 văn phòng thừa phát lại tại địa bàn các quận và thị xã Sơn Tây; 1 văn phòng thừa phát lại tại địa bàn các huyện.

Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 2 văn phòng thừa phát lại nên sẽ không phát triển thêm văn phòng, các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy có 1 văn phòng thừa phát lại nên sẽ phát triển thêm 1 văn phòng để đảm bảo số văn phòng được phát triển trên địa bàn là 2 văn phòng.

Một số quận chưa có văn phòng được phát triển 2 văn phòng là quận Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, thị xã Sơn Tây. 17 huyện còn lại chưa có văn phòng thừa phát lại sẽ được phát triển mỗi địa bàn 1 văn phòng thừa phát lại.

Trong đó, trường hợp có sự điều chỉnh về loại hình đơn vị hành chính cấp huyện (nâng cấp từ huyện thành quận) thì số lượng văn phòng thừa phát lại được điều chỉnh tăng để đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm D khoản 1 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Để thành lập văn phòng thừa phát lại, thừa phát lại có nhu cầu thành lập văn phòng nộp hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại tại Sở Tư pháp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại đến Sở Tư pháp.

Hồ sơ gồm: Giấy đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại; bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất cần thiết và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm thừa phát lại để đối chiếu.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại đã tiếp nhận, căn cứ quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Sở Tư pháp xét duyệt hồ sơ, trình UBND TP cho phép thành lập văn phòng thừa phát lại theo tiêu chí: Thừa phát lại dự kiến làm trưởng văn phòng thừa phát lại có thời gian hành nghề thừa phát lại lâu hơn; nhân sự dự kiến làm thư ký nghiệp vụ của văn phòng thừa phát lại có thời gian làm thư ký nghiệp vụ thừa phát lại lâu hơn;

Thừa phát lại thành lập hoặc tham gia thành lập văn phòng thừa phát lại chấp hành tốt quy định của pháp luật về thừa phát lại và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thừa phát lại; thừa phát lại dự kiến làm trưởng văn phòng thừa phát lại thuộc trường hợp hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; thừa phát lại dự kiến làm trưởng văn phòng thừa phát lại là nữ. Trường hợp sau khi xét duyệt, có từ 2 hồ sơ giống nhau về các tiêu chí nêu trên, Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định.

Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP. Xây dựng và trình UBND TP ban hành thông báo về việc thành lập văn phòng thừa phát lại trên địa bàn.

Tổ chức tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại và tham mưu UBND xem xét, quyết định cho phép thành lập. Tổng hợp báo cáo UBND TP về kết quả triển khai thực hiện đề án, kịp thời cập nhật, đề xuất bổ sung các nội dung đề án để đáp ứng tình hình thực tế và các quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị TAND, VKSND và Cục thi hành án dân sự TP phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chế định thừa phát lại trong hệ thống TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.

Thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của TAND, VKSND, cơ quan THADS cho các văn phòng thừa phát lại trong điều kiện cho phép teo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân TP phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện kiểm sát việc tuân thủ quy định của pháp luật đối với hoạt động tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án của thừa phát lại.

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.