Tổ trưởng tổ hòa giải gần 20 năm trong "nghề"

Gần 20 năm đảm nhận cương vị Tổ trưởng tổ dân phố số 6 (phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội), cô Nguyễn Thị Loan (SN 1963) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt có nhiều đóng góp vào thành công của công tác hòa giải, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tại địa phương, góp phần xây dựng phường Giang Biên chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tổ trưởng tổ hòa giải gần 20 năm trong
Cô Nguyễn Thị Loan là tấm gương sáng trong công tác hòa giải của địa phương

Gần 20 năm làm tổ trưởng Tổ dân phố số 6 cũng là chừng ấy thời gian cô Loan gắn bó với công tác hòa giải của địa phương. Cô đã cùng tổ hòa giải giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn, giúp cuộc sống người dân yên bình, góp phần đảm bảo trật tự an ninh xã hội, nâng cao văn hóa ứng xử của người dân tổ dân phố số 6 cũng như tuân thủ những đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Năm qua, các vụ mâu thuẫn từ đơn giản đến phức tạp đều được cô Loan cùng tổ hòa giải của tổ dân phố số 6 giải quyết êm đẹp, giữ được hoà khí giữa đôi bên.

Cô Loan chia sẻ có vụ hai nhà hàng xóm của nhau chỉ vì thùng rác đặt sang bên nhà nhau mà xảy ra mâu thuẫn, thậm chí đe dọa và dùng những từ nặng nề để chỉ trích nhau. Tuy nhiên, khi tổ hòa giải đến tìm hiểu sự việc, phân tích, giải thích cho hai nhà thì họ đã đồng ý bỏ qua cho nhau, cùng ký cam kết không cãi vã, làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Hay như vụ người anh tranh giành đất cát với em trai, thậm chí dùng những lời lẽ không hay để mắng, dọa em mình thì cô Loan cũng đã kịp thời đến giải quyết.

“Tôi ngồi với người anh, phân tích cặn kẽ cho người anh hiểu là nếu anh phá tài sản của em trai thì anh sẽ vi phạm pháp luật và bị xử lý, như thế người khổ đầu tiên chính là anh, sau đó là người thân gia đình anh, anh em cũng khó nhìn mặt nhau và còn ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Vì vậy, nếu có bức xúc gì cần giải quyết, anh có thể làm đơn gửi đến cơ quan chức năng. Giải thích một lúc thì người anh hiểu ra và hứa không gây chuyện nữa”, cô Loan chia sẻ.

Một lần khác, có cụ ông để nước thải sinh hoạt nhà mình lênh láng ra đường, thêm vào đó còn bật đài, để loa to “inh tai nhức óc”, khiến cả xóm khó chịu. Nhiều lần góp ý nhưng cụ vẫn không thay đổi. Nhưng vì cụ cũng già rồi nên hàng xóm cũng ngại nặng lời, đành nhờ cô Loan sang đề nghị cụ giữ gìn vệ sinh môi trường và bật loa nhỏ, chỉ đủ mình nghe, tránh gây phiền nhiễu cho hàng xóm.

Cô Loan kể lại: “Tôi sang thì thấy cụ vẫn đang bật đài, loa to rất khó chịu. Mà đó là mình chỉ ở đó một lúc, chứ người dân ở quanh đó thì làm sao chịu nổi. Tôi mới giải thích nhẹ nhàng cho cụ là cụ để loa to như vậy, các cháu học sinh xung quanh đây không thể học online được, khổ thân các cháu.

Tiện thể, tôi cũng khuyên cụ có thể tìm cách thức nào để nước thải không chảy lênh lang ra đường xóm gây mất vệ sinh và tắc các chỗ thoát nước. Tôi cũng đưa ra vài đề xuất để cụ áp dụng, tránh để lước tràn ra ngoài đường. Cụ nghe có lý nên cũng vui vẻ hợp tác, từ đó đến nay là cả xóm vui vẻ, các cháu có không gian yên tĩnh học tập”.

Có vụ cặp vợ chồng suýt chia tay nhau vì người vợ nghi cho chồng có người khác dẫn đến hai vợ chồng xô xát nhau. Khi đến hòa giải, người vợ bức xúc “nước mắt ngắn nước mắt dài” kể sự tình, còn người chồng thì chỉ biết ôm đầu: “Chắc bọn em không ở được với nhau mất. Vợ em cứ vu cho em lăng nhăng”.

Cô Loan nghe hết tâm tư của từng người, sau đó phân tích cho hai vợ chồng những được và mất khi ly hôn. Cô cũng khuyên bảo hai người nên lắng nghe, tin tưởng và quan tâm nhau để tình cảm vợ chồng lại gắn bó như xưa. Đặc biệt là hai người hãy nhìn vào các con đều xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi để cùng nhau thay đổi, chăm lo gia đình.

“Khi tôi đến, vợ chồng nhà này găng lắm, nhất là người vợ. Những bức xúc, dồn nén cô ấy chất trong lòng khiến cô ấy nói trong nước mắt. Nhưng khi nghe tôi chia sẻ, phân tích thì cả hai vợ chồng đều nói sẽ cố gắng sửa đổi để giữ gìn hôn nhân”, cô Loan chia sẻ.

Theo cô Loan, để hòa giải thành công các sự việc mâu thuẫn của người dân, cán bộ hòa giải phải là người kiên trì, hiểu biết, lắng nghe lòng dân, từ đó sẽ có những phân tích, giải thích cho người dân hiểu. Khi đang bức xúc, mâu thuẫn với nhau thì người dân thường thể hiện sự nóng nảy, có những lời lẽ, hành động không hay với nhau, thậm chí là với cả những hòa giải viên. Khi ấy, cán bộ hòa giải lại phải ứng xử bằng sự điềm đạm, chân thành để người trong cuộc thấy họ đang được thấu hiểu, lắng nghe.

Cô cho biết: “Lấy “nhu” thắng “cương” là điều mà tôi luôn tâm đắc trong quá trình làm công tác hòa giải. Có những vụ việc người trong cuộc cứ “găng” lên có những lời lẽ không hay, thậm chí ngôn từ còn mang tính chất xúc phạm. Tuy nhiên, khi họ đang “cứng” thì mình phải điềm đạm, nhẹ nhàng, nói chuyện tình cảm để dần dần phân tích cho họ những đúng sai, được mất. Có những vụ việc chúng tôi đi một lần chưa hiệu quả, lại đi tiếp cho đến khi nào người dân hiểu ra vấn đề mới thôi”.

Là tổ trưởng tổ dân phố, kiêm tổ trưởng tổ hòa giải, cô Loan luôn đi sâu đi sát đời sống Nhân dân, lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người dân để có những giải quyết kịp thời cũng như đề xuất chính đáng lên cấp trên.

Sự cố gắng không ngừng nghỉ của cô Loan là một trong những đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của tổ dân phố số 6 phường Giang Biên. Nhiều năm liền tổ dân phố số 6 đều thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, là tổ dân phố vững mạnh về kinh tế, đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa, chi bộ đạt chi bộ trong sạch vững mạnh, các đoàn thể đều đạt thành tích xuất sắc.

Không ngại khó khăn, vất vả, luôn sẵn sàng có mặt kịp thời để giải quyết các mâu thuẫn, cô Loan luôn nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền phường Giang Biên cùng sự yêu mến, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.

Với những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, cô Loan nhiều lần được các ban, ngành tặng thưởng. Trong một số cuộc thi cô tham gia, trong đó có cuộc thi tổ trưởng tổ dân phố giỏi, cô cũng đều được giải cao. Tấm gương sáng của cô Loan đã góp phần lan tỏa lối ứng xử văn minh, thanh lịch của người dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.