Bí quyết tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật “trúng” và hấp dẫn

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Phúc Khách - Trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thôn Dư Xá (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được cán bộ, nhân dân địa phương hết mức tin tưởng, trân quý vì có những đóng góp to lớn trong công tác hòa giải, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đời sống nhân dân yên bình, hạnh phúc.
Bí quyết tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật “trúng” và hấp dẫn
Ông Nguyễn Phúc Khách (giữa) - tổ trưởng tổ hòa giải tiêu biểu của huyện Ứng Hòa

Đưa những câu chuyện gần gũi với đời sống Nhân dân vào tuyên truyền

Theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Điều 4 Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định nội dung xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có nội dung: Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;...

Để triển khai nội dung trên, các hoạt động tuyên truyền phải bắt đầu từ cơ sở vì cơ sở có mạnh thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mới hiệu quả, chuẩn tiếp cận pháp luật mới thành công.

Theo ông Nguyễn Phúc Khách - Trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thôn Dư Xá, trong những năm qua, xã Hòa Nam nói chung, thôn Dư Xá nói riêng đã có nhiều buổi tuyên truyền cho người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, mang lại những ý nghĩa thiết thực, giảm tình trạng vi phạm pháp luật, hướng đến lối sống văn minh, lịch sự trong đời sống của người dân.

Ông Khách nhấn mạnh, trong các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hướng đến chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân, ông thường “tranh thủ” lồng các kiến thức tại các hội nghị, cuộc họp của thôn, xã. Từ những tình huống nhất định, mọi người sẽ tranh luận xem trong tình huống đó, ai đúng, ai sai, còn thiếu những gì?…Từ đó sẽ định hướng cho mọi người trong từng tình huống sẽ xử lý, ứng xử như thế nào để vừa đúng pháp luật, vừa hợp tình người.

“Tại các hội nghị, sẽ có đông người tham gia nên tôi thường “tranh thủ” lồng ghép các kiến thức thông qua các tình huống gần gũi với đời sống thường ngày của người dân. Dù diễn ra trong ít phút nhưng nó lại mang lại những hiệu quả thiết thực, cung cấp kiến thức, giúp người dân có thể vận dụng khi mình là người trong cuộc hoặc có thể tuyên truyền đến những người khác”, ông Khách cho biết.

Ông cho rằng bí quyết để các buổi tuyên truyền đạt hiệu quả cao chính là các tình huống, câu chuyện phải sát với đời sống người dân. Như vậy mới tạo ra sự thiết thực và hấp dẫn để cán bộ, Nhân dân chú ý lắng nghe. Tùy tình huống, cán bộ tuyên truyền sẽ đưa ra những câu chuyện phù hợp. Bên cạnh đó, cách dẫn dắt câu chuyện từ nét mặt, ngôn từ đều phải tạo được sự thiện cảm cho người nghe, để làm sao, họ không cảm thấy khô khan.

Ông cũng nhấn mạnh: “Người cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trước tiên phải hiểu biết pháp luật. Lĩnh vực này vô vàn kiến thức nên bản thân phải không ngừng tìm tòi, học hỏi. Nếu chưa rõ vấn đề có thể nhờ cơ quan chức năng chia sẻ để có thêm kiến thức, tư vấn, tuyên truyền đến người dân.

Muốn đạt kết quả cao trong công tác tuyên truyền, ngoài sự hiểu biết thì người cán bộ phải thật sự gần dân, mến dân. Có hiểu được tâm tư, tình cảm của người dân thì mới biết được họ cần gì, thiếu gì để bồi đắp”.

“Đánh” vào tình cảm, thuyết phục bằng lý lẽ để xoa dịu mâu thuẫn

Không chỉ là cán bộ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tiêu biểu, 7 năm qua, ông Khách còn là tổ trưởng tổ hòa giải xuất sắc của huyện Ứng Hòa. Với các vụ mâu thuẫn, ông luôn tìm hiểu từ hai bên, tìm hiểu những người xung quanh như hàng xóm, người thân của hai bên để hiểu tường tận gốc rễ vấn đề, giúp giải quyết mâu thuẫn một cách thấu đáo, vừa có lý, vừa có tình.

“Tôi luôn tìm hiểu kỹ lưỡng các mâu thuẫn để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn bởi có thể mâu thuẫn chỉ xuất phát từ lời ăn tiếng nói không vừa tai nhau chứ chưa chắc đã là những tranh chấp chúng ta thấy trước mặt. Phải biết gốc rễ vấn đề mới giải quyết được các mâu thuẫn. Quan trọng nữa là tôi gắn mình là người thân của họ để tạo sự gần gũi, gắn bó, lắng nghe họ chứ không đặt mình là cán bộ hòa giải”, ông Khách cho biết.

Người dân vùng nông thôn rất trân trọng tình nghĩa láng giềng nên ông Khách thường dùng tình cảm để thuyết phục những người trong cuộc. “Với mâu thuẫn, ai cũng tranh mình đúng, mình phải. Khi nắm bắt được câu chuyện của họ, đến hòa giải tôi không đi thẳng vào mâu thuẫn ngay bởi “xông” vào điều đó ngay là hòa giải rất khó. Thay vào đó tôi tỉ tê chia sẻ để làm giảm sự bức xúc, tức giận của họ xuống rồi mới vào vấn đề", công Khách chia sẻ.

Trong suốt nhiều năm qua, ông Khách đã hòa giải thành công rất nhiều vụ, giúp người dân của thôn sống chan hòa, gắn bó với nhau hơn. Với những vụ mâu thuẫn về tình cảm gia đình, ông thường chia sẻ chân thành, góp ý để các cặp đôi bình tĩnh, vợ chồng có gì chia sẻ thẳng thắn để cùng sửa đổi thay vì dùng bạo lực hay lời lẽ không hay khiến hàng xóm láng giềng chú ý, cười chê, bản thân họ sau này khi ra ngoài cũng cảm thấy ngại. Dùng bạo lực còn vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý, cả hai vợ chồng và con cái đều khổ. Hơn nữa, bố mẹ vui vẻ, thuận hòa, con cái sẽ lấy gương mà học tập, phát triển tốt.

Với các vụ tranh chấp đất cát, ông Khách thường phân giải bằng cả luật và tình cảm. “Tôi nói chuyện nhẹ nhàng, tình cảm để họ nói rõ những chất chứa trong lòng. Sau đó, tôi khuyên họ thôi thì có vài phân đất thì cùng ngồi xuống giải quyết, hai bên du di cho nhau, đừng làm mất tình làng nghĩa xóm bởi hàng xóm thân cận, “tắt lửa tối đèn” có nhau, có thể sau này, lúc mình gặp khó khăn, hàng xóm ngay cạnh lại chính là người giúp đỡ mình nhanh chóng, kịp thời. Nếu cứ làm găng thì hai nhà sẽ mất hết tình cảm. Thông cảm, nhượng bộ nhau một chút, tình cảm sẽ còn mãi. Thế là sau đó, họ cùng chăng giây, xây tường và sống vui vẻ với nhau”, ông Khách chia sẻ.

Cần mẫn, nhiệt tình trong công tác hòa giải, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân địa phương, ông Khách chính là tấm gương sáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, phát triển.

Điều 4 Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định nội dung xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gồm các nội dung:

-Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân;

- Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Rà soát, đánh giá việc thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật; công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, cải thiện khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở;

- Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực làm công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Lồng ghép xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong chương trình, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xóa đói, giảm nghèo;

- Sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo, theo dõi kết quả, kiểm tra, khen thưởng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.