Những kiến nghị sửa đổi để gỡ vướng trong công tác cấp lý lịch tư pháp

Bài cuối: Thời hạn cấp và sử dụng phiếu LLTP cần phù hợp hơn

Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) cho người có án tích được quy định là 15 ngày. Thực tế có nhiều người phải đi đi lại lại 3, 4 lần mà vẫn chưa nhận được Phiếu LLTP do thông tin từ các bên liên quan chưa cập nhật đầy đủ. Quá trình cấp Phiếu lâu, nhưng thời hạn sử dụng Phiếu lại mỗi bên sử dụng một ý, nên thống nhất quy định về thời hạn cấp, thời hạn sử dụng rất quan trọng.
Công dân làm thủ tục cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp TP Hà Nội (Ảnh: Đình Tuệ)
Công dân làm thủ tục cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp TP Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ

Cần thống nhất thời hạn của Phiếu LLTP

Hiện nay trong Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể LLTP có thời hạn bao lâu.

Thời hạn này chỉ được đề cập trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật liên quan hoặc phụ thuộc vào quyết định của cơ quan, tổ chức có nhu cầu xác minh về tình trạng lý lịch tư pháp của cá nhân đó.

Chẳng hạn: Hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam phải có Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày (Điều 20, 24 và 28 Luật Quốc tịch năm 2008); Hồ sơ xin nhận con nuôi trong nước phải có Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã; Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

Hiện nay, có tình trạng nhiều tổ chức cơ quan yêu cầu Phiếu LLTP còn giá trị là phải cấp trong thời hạn 6 tháng, có cơ quan lại chỉ yêu cầu nộp Phiếu LLTP một lần là xong, không căn cứ thời hạn. Điều này, dẫn đến bất cập là việc áp dụng pháp luật không thống nhất, vai trò của phiếu LLTP trong việc giúp các cơ quan, tổ chức trong việc nắm bắt được chính xác, kịp thời tình trạng án tích của cá nhân không được phát huy cao, bởi vì, bản chất của Phiếu LLTP là chứng minh một cá nhân, con người cụ thể có hay không có án tích và nó chỉ có giá trị sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, không phải là mãi mãi.

Từ những hạn chế, bất cập trong đó nên có nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật LLTP nhằm thống nhất thời hạn của Phiếu LLTP hiện nay; tạo một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực lý lịch tư pháp.

Thời gian cấp Phiếu LLTP cho người có án tích cần dài hơn

Trước đây, thủ tục xóa án tích thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Từ năm 2017, theo quy định của Bộ luật Hình sự, được giao về cho các Sở Tư pháp thực hiện. Theo đó, những người muốn làm thủ tục đương nhiên xóa án tích sẽ nộp yêu cầu tới Sở Tư pháp của tỉnh, thành phố nơi mình thường trú.

Thực tế là nhiều trường hợp xóa án tích đang thiếu thông tin, việc xác minh qua nhiều cơ quan khiến thời hạn 15 ngày khó đảm bảo, dẫn đết kết quả bị chậm trễ. Có đôi lúc, phải đi lại nhiều hỏi kết quả khiến công dân cảm thấy rắc rối, phiền lòng, nhất là khi bản thân họ cần xác minh để có cơ hội xin việc làm hòa nhập.

Tại Hà Nội, số phiếu lý lịch tư pháp cấp sớm và đúng thời hạn quy định chiếm tỷ lệ 99,34%, trả quá hạn chiếm tỷ lệ 0,64% và có tỷ lệ 0,02% hồ sơ quá hạn nhưng chưa có kết quả.

Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội - ông Đặng Thạch Bích cho biết, trong cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân có án tích, có hai trường hợp xảy ra. Đó là công dân có án tích nhưng khi làm hồ sơ, họ không khai báo và Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chưa có dữ liệu lý lịch tư pháp hoặc dữ liệu chưa đầy đủ thông tin và trường hợp công dân nộp đủ tài liệu hồ sơ xóa án tích, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã có đủ thông tin về án tích của họ. Với cả hai trường hợp này, Sở Tư pháp đều phải tiến hành xác minh tiếp theo quy định.

Hầu hết thủ tục cấp Phiếu LLTP đối với cá nhân có tiền án thường bị trễ hẹn do các nguyên nhân sau: Công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin LLTP đôi lúc chưa thường xuyên, kịp thời, đầy đủ; nhiều thông tin chưa được cung cấp hoặc cung cấp còn thiếu, có sai sót, ảnh hưởng đến yêu cầu quản lý, khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cơ sở dữ liệu phần mềm quản LLTP mới chỉ dừng lại ở việc nhập và tra cứu thông tin LLTP, chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp trong việc cung cấp thông tin thông tin LLTP cho Sở Tư pháp.

Công tác phối hợp xác minh tình trạng án tích của người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP còn chậm, có những trường hợp Sở Tư pháp đã ban hành các công văn gửi đến các cơ quan liên quan để xác minh thông tin LLTP nhưng không nhận được văn bản trả lời dẫn đến tình trạng chậm trả kết quả cấp Phiếu LLTP.

Từ thực tế trên, TP Hà Nội đề xuất về việc tách xóa án tích thành một thủ tục riêng biệt và quy định thời hạn giải quyết phù hợp là cần thiết, để đảm bảo cho các Sở Tư pháp có đủ thời gian để xác minh, giải quyết việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, không gây nên tình trạng bức xúc vì chậm trễ.

Bài 1: Thay đổi để phù hợp thực tiễn Bài 1: Thay đổi để phù hợp thực tiễn

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.